Dự thảo Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia (lần 2): Lại không khả thi

Thứ tư, 08/10/2014 08:31
* Trước đó, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương đã gỡ bỏ quy định cấm bán bia vỉa hè vì sợ chồng chéo trong các văn bản luật. Đồng thời Vụ Công nghiệp nhẹ cũng chuyển từ cấm sang cảnh báo in trên chai, vỏ lon bia đối với các hành vi sau: bán bia cho người có thai, đang trong thời gian cho con bú, người có biểu hiện say...

(Cadn.com.vn) - Tại dự thảo Nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh bia cách đây 1 tháng do Bộ Công Thương soạn thảo, các quy định đã gặp phải nhiều phản ứng từ các nhà sản xuất, hiệp hội và địa phương. Cụ thể là việc cấm bán bia tại nhiều địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, trên vỉa hè và trước sự phản ứng đó, mới đây, quy định nói trên đã được rút. Thế nhưng khi dự thảo lần 2 được đưa ra lấy ý kiến, lại xuất hiện những quy định mà giới kinh doanh khẳng định khó khả thi khi áp dụng vào thực tế.

Tại dự thảo lần thứ 2 của Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra một số điều kiện đối với người bán. Theo đó, tại cơ sở kinh doanh bia hơi, nhân viên xuất bán hàng phải được trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ như: áo, mũ, khẩu trang, găng tay...

Chủ cơ sở hoặc người quản lý có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế ít nhất 1 lần/năm. Việc khám sức khỏe do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.

Chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Người trực tiếp kinh doanh bia phải mặc trang phục riêng; không hút thuốc, khạc nhổ tại nơi kinh doanh. Các sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải còn hạn sử dụng; phải có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm kinh doanh.

Về điều kiện đối với trang thiết bị dụng cụ kinh doanh, Bộ Công Thương đề nghị phải có đủ giá, kệ bảo quản làm bằng các vật liệu chắc chắn, hợp vệ sinh; bảo đảm đủ ánh sáng và che chắn an toàn. Sản phẩm bia phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 15cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm. Đối với các sản phẩm bia hơi cần bảo quản trong kho lạnh và được duy trì điều kiện bảo quản lạnh liên tục 24/24 giờ theo mức nhiệt độ yêu cầu.

Bên cạnh đó, văn bản này cũng dự kiến cơ sở kinh doanh bia cần có quy trình vệ sinh cơ sở và ghi nhật ký vệ sinh; các sản phẩm tẩy rửa, sát trùng dụng cụ kinh doanh và rửa tay phải an toàn cho kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên một trong những vấn đề gây ra tranh luận suốt ngày hôm qua là quy định yêu cầu các cơ sở kinh doanh bia phải có hệ thống thông gió, chống nóng được lắp đặt phù hợp với yêu cầu bảo quản nhằm bảo đảm thông thoáng ở các khu vực, bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30 độ C.

Quán bia phải đảm bảo nhiệt độ dưới 30 độ mới được kinh doanh.

Theo các doanh nghiệp, chuyên gia, quy định cơ sở kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C là thiếu tính khả thi và rất khó khăn, tốn kém để luật đi vào thực tế. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát cho rằng quy định này thiếu tính khả thi và rất khó áp dụng tại Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng đây là một quy định trái khoáy gây khó cho doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bia. Lực lượng nào sẽ quản lý quy định này, hàng ngày đi kiểm tra nhiệt độ của nơi bán để xử phạt. Chuyện trang phục riêng cũng vậy, trang phục riêng như thế nào phải quy định rõ chứ mặc quần áo khác nhau cũng là trang phục riêng rồi”, ông Việt nói.

Ngoài ra, ông Việt cho biết khí hậu nắng nóng của Việt Nam cùng với thói quen uống bia giải khát ở các quán bình dân, quán vỉa hè, lòng đường khiến quy định này rất xa vời và khó có thể áp dụng vào thực tế. Ông Việt bày tỏ: “Chính phủ cùng các Bộ, ngành hiện nay đang quan tâm và có nhiều cuộc tiếp xúc lắng nghe vướng mắc, gỡ khó để doanh nghiệp phát triển. Các nhà hoạch định chính sách trước khi công bố một dự thảo hãy đặt mình vào vị trí của nhiều bên xem có hợp lý, hợp tình không. Quy định nào không hợp lý, không tính khả thi thì nên bỏ đi để doanh nghiệp còn có động lực phát triển”.

Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng quy định này có nhiều bất cập. “Siêu thị chúng tôi bán bia bao năm đến bây giờ còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về nhiệt độ nói gì đến các đơn vị kinh doanh manh mún, hàng quán vỉa hè, bình dân”. Ông Phú cũng cho rằng những quy định không có tính thực tế, mang tính lý thuyết thì không nên đưa vào dự thảo.

B.T