Dứa được mùa, được giá: Dân mừng, chính quyền lo?
(Cadn.com.vn) - Mùa dứa năm 2016, niềm vui của những người trồng dứa xã Đại Sơn, Đại Hồng (Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) như được nhân đôi. Bởi, do thời tiết thuận lợi nên dứa ra quả nhiều, to trái và vui hơn là tiêu thụ nhanh với giá dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/quả. Nhiều gia đình có vài héc-ta dứa cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng. Ngoài thị trường truyền thống là TP Đà Nẵng, năm nay dứa Đại Sơn còn được tiêu thụ ở một số thị trường mới như TT-Huế, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. Do được ưa chuộng nên giá dứa mua vào ổn định, khá cao so với mọi năm. Nhiều gia đình với thu nhập từ vài héc-ta dứa có thể xây dựng lại nhà, mua sắm nhiều dụng cụ đắt tiền, lo cho con cái đi học xa...
Dứa bày bán trên QL14B đoạn qua xã Đại Sơn. |
Ông Ngô Vinh-Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, trao đổi: là xã thuần nông nhưng Đại Sơn gần như không có đất trồng lúa, người dân chủ yếu sống bằng nương rẫy. Toàn xã hiện có 365 ha trồng dứa, năm nay vừa được mùa, được giá nên thu nhập của người dân có khởi sắc hơn... Tuy nhiên, cạnh niềm vui của người dân thì chính quyền có những nỗi lo mới. Trước hết là tình trạng người dân lén lút phá rừng trồng dứa. Từ đầu năm đến nay, chính quyền xã phối hợp cùng các cơ quan chức năng phát hiện 5 vụ phá rừng với diện tích gần 10 ha, đang tiến hành điều tra, xử lý. Trước thực trạng này, UBND xã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân địa phương không được phá rừng lấy đất trồng dứa và phát động người dân tố giác tội phạm. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, giáp giới các huyện Nam Giang, Nông Sơn nên vẫn còn xảy ra tình trạng người dân ở các địa phương khác đến Đại Sơn lén lút phá rừng trồng dứa tại khu vực D7 (khu vực giáp với xã Quế Lâm, Nông Sơn). Ngoài nỗi lo phá rừng thì nỗi lo nếu phát triển ồ ạt cây dứa sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Theo ông Vinh, dù cây dứa dễ trồng nhưng thường bị sâu bệnh nên phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Do địa hình đồi dốc nên trong quá trình sử dụng, dư lượng thuốc trừ sâu tồn dư chảy xuống các suối nước, thấm vào mạch nước ngầm làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Cụ thể, tại thôn Đầu Gò có hệ thống nước sạch lấy từ núi cao nhưng khi người dân phát triển cây dứa, hệ thống nước sạch này bị nhiễm độc nên phải bỏ hoang. Ngoài ra, việc tự ý chuyển đổi một số diện tích đất trồng rau màu, loại cây khác sang trồng dứa sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được...
Như vậy, việc dứa được mùa, được giá giúp cho người trồng dứa có thêm thu nhập, cải thiện một phần cuộc sống nhưng ngay từ bây giờ, chính quyền các cấp cần có những biện pháp ngăn chặn tình trạng phát triển cây dứa một cách ồ ạt nhằm tránh tình trạng xâm hại rừng tự nhiên, bảo vệ được môi trường và không để xảy ra tình trạng được mùa, rớt giá như các loại nông sản khác.
M.T