Dưa hấu được mùa, mất giá

Thứ ba, 25/03/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - Không phải bây giờ mà nhiều năm qua, người trồng dưa hấu ở Quảng Nam luôn bị động về việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bao nhiêu tiền của, công sức, dãi nắng, dầm mưa chăm bón cho dưa để chờ ngày thu hoạch thì giờ đây sản phẩm do họ làm ra lại rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”!

Năm nay dưa hấu được mùa, nhưng bà con ai nấy buồn rũ rượi vì giá dưa đang rớt thê thảm. Lão nông Ngô Hùng, một người trồng dưa ở Điện Quang (H. Điện Bàn) cho biết: “Giá thu mua đầu vụ năm nay là 5.000 đồng/kg, nhưng càng về sau giá lại càng tụt xuống. Nán lại chờ không biết giá có lên không vì hiện nay chỉ thấy ngày càng rớt giá, còn bán tháo thì bị tư thương ép giá”.

Còn ông Trần Văn Dũng, xã Điện Quang lắc đầu ngao ngán: “Trước Tết, trên thị trường giá 1kg dưa hơn 10 nghìn đồng nhưng đâu có để bán. Đầu tháng hai, khi bắt tay vào việc thu hoạch thì giá bất ngờ rơi xuống. 3 tuần nay, vừa hái vừa ngóng nhưng giá đâu có tăng được xu nào. Giá thấp là vậy nhưng phải ngậm ngùi bán đổ, bán tháo chứ mấy hôm nay trời mưa nên dưa có dấu hiệu thối”.

Năm ngoái, vào thời điểm này, tại đây thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vì nhiều đoàn xe tải cứ đậu đỗ ngổn ngang để tranh nhau bốc dưa chở đi tiêu thụ càng nhanh càng tốt. Còn bây giờ, cảnh hối hả ấy chỉ còn là ao ước. Nhìn nông dân với vẻ mặt lo lắng ngồi lặng lẽ bên vệ đường, chờ khách vãng lai ghé mua vài trái để giải cơn khát mà cảm thấy xót lòng!

Còn tại H. Đại Lộc, những ngày qua, người dân thôn Thuận Mỹ (xã Đại Tân, H. Đại Lộc) phấn khởi vì vụ dưa hấu năm nay, số lượng và chất lượng quả đều rất cao. Nhiều hộ dân đã khẩn trương thu hoạch số dưa đã chín trên cánh đồng dưa của mình để nhập cho thương lái với hy vọng dưa được giá, không uổng công người trồng dưa hấu sau mấy tháng trời vất vả chăm sóc. Thế nhưng, khi bán dưa hấu cho thương lái, người dân lại “méo mặt” vì giá dưa thấp, chỉ bằng 1/3 giá dưa vụ trước.

Dù giá thấp nhưng người trồng dưa vẫn ngậm ngùi bán cho thương lái chứ không thể “ngâm” loại nông sản này.

Ông Nguyễn Hồng Thanh (50 tuổi, thôn Thuận Mỹ, Xã Đại Tân) cho biết: “Nhà tôi trồng hơn 5 sào dưa hấu, chủ yếu là loại dưa Trang nông. Suốt 3 tháng trời bỏ tiền thuê đất, thuê nhân công để chăm sóc vụ dưa với hy vọng dưa cho năng suất cao, giá ổn định để bán kiếm thu nhập. Tuy nhiên, khi thu hoạch dưa xong, các thương lái đưa xe đến để nhập dưa với giá bán sỉ chỉ có 2.000 -2.500 đồng/kg”. Như vậy giá dưa năm nay chỉ bằng 1/3 giá dưa vụ trước. Với giá này, người trồng dưa chúng tôi chỉ mới đủ tiền thuê đất, mua giống, phân bón, trả tiền nhân công chứ đừng tính chi tới chuyện có lãi”.

Được biết vụ dưa hấu năm nay, người dân Đại Lộc chủ yếu trồng dưa Trang nông (giống dưa đen Đại Lộc), một ít dưa Hắc Mỹ Nhân và 386. Vụ dưa năm nay rất được mùa, trái nhiều và to, bình quân mỗi trái dưa khoảng 7kg. “Toàn thôn có gần 20 hộ trồng dưa Trang nông với hơn 7ha đất. Tuy nhiên, giá dưa năm nay quá thấp. Vụ dưa năm trước có khi giá 7.000-8.000 đồng/kg. Người dân của thôn đang rất lo lắng vì trồng dưa mà lãi rất ít, nhiều hộ còn thu không đủ vốn”, ông Dương Văn Cang, trưởng thôn Thuận Mỹ, tâm sự: Phòng NN&PTNT H. Đại Lộc cho biết, vụ dưa năm nay toàn huyện gieo trồng hơn 116ha, chủ yếu là các giống dưa Trang Nông, Hắc Mỹ Nhân.

“Giá dưa chỉ dao động 2.000-2.500 đồng/kg như vậy là không cao, mới đủ chi phí cho người dân bỏ ra chứ không có lãi. Năng suất dưa đạt nhưng giá bán thấp khiến người trồng dưa điêu đứng. Nguyên nhân do tình hình dao động giá cả trên thị trường, nhất là thị trường nhập khẩu dưa vào Trung Quốc sức tiêu thụ giảm mạnh. Dự báo, giá dưa trên thị trường sắp tới tiếp tục không ổn định. Trước đó, Phòng đã khuyến cáo, định hướng người dân nên hạn chế trồng dưa hấu, chuyển sang trồng một số loại cây có giá ổn định như bí đỏ hồ lô. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các hộ dân trên địa bàn huyện trong vụ dưa sắp tới, nên xen canh các cây trồng khác để kiếm thêm thu nhập, đề phòng giá dưa biến động, rớt giá mà thiệt cho bà con”, ông Hồ Ngọc Mẫn- Trưởng phòng NN&PTNT H. Đại Lộc cho biết...

Việc các địa phương trồng dưa tự phát, thiếu quy hoạch, lại không có thị trường ổn định khiến người trồng dưa gặp nhiều rủi ro. “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã trở thành nỗi ám ảnh của người nông dân, vốn là đối tượng sản xuất chịu nhiều rủi ro nhất của xã hội. Ngậm ngùi nhìn dưa mà rơi nước mắt đó là thực tế đang xảy ra đối với hàng ngàn nông dân nơi vùng đất khắc nghiệt này.

Bão Bình