Đưa nghệ thuật múa hài đến gần công chúng

Thứ năm, 26/04/2018 08:40

Lần đầu tiên, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác Múa hài Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng trong 2 ngày 28 và 29- 4 tới. Sự kiện này ít nhiều tạo sự quan tâm đối với những người yêu thích, đam mê loại hình nghệ thuật múa. Bởi so với các thể loại múa khác, múa hài còn khá xa lạ với nhiều người. 

Biên đạo múa cùng diễn viên Đà Nẵng tập vở "Thầy bói xem voi".

Múa hài - đỉnh cao của nghệ thuật múa

Theo NSND Lê Huân- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng, trong các thể loại của nghệ thuật Múa Việt Nam, múa hài là thể loại rất khó, được xem là một trong hai thể loại đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam (sau kịch múa). Múa hài ra đời xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, từ yêu cầu thực tiễn của công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Khi còn là biên đạo múa của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung, NSND Lê Huân đã từng sáng tác những tác phẩm múa hài để phục vụ chiến sĩ chiến trường miền Trung. 2 tác phẩm múa hài "Anh nuôi say súng", "Mài sắc đường lê" của ông được lưu diễn và được chào đón nồng nhiệt khắp chiến trường miền Trung. Đây cũng là 2 tác phẩm được trao giải thưởng Nhà nước. Sau giải phóng ông vào dựng vở múa hài "Mưu Thị Hến" cho Đoàn Bông  Sen (TP Hồ Chí Minh) ,  "Cắt cỏ ven sông" cho trường Múa TP Hồ Chí Minh.

Là thể loại khó bởi đây là thể loại xây dựng tính cách nhân vật, múa hài đòi hỏi rất cao tư duy sáng tạo của biên đạo múa, ở kịch bản phải hay, phải gây được tiếng cười thâm thúy, sâu sắc, tạo thẩm mỹ cho công chúng thông qua ngôn ngữ cơ thể. Theo NSND Lê Huân, biên đạo múa ở Việt Nam thì nhiều nhưng không phải ai cũng có thể là biên đạo múa hài...

Tại buổi họp báo sáng 25-4, thay mặt BTC, PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam- cho biết: mặc dù nghệ thuật Múa Việt Nam có lịch sử phát triển 70 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức cuộc thi sáng tác múa hài bởi trong nghệ thuật biên đạo, nghệ thuật sáng tác múa, chủ đề, đề tài múa hài là một thể loại cực kỳ khó. Ngoài việc góp phần mở rộng và là động thái tích cực để tôn vinh, phát huy nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam tới khán giả, nhằm phát huy năng lực sáng tác, sáng tạo của người nghệ sĩ, biên đạo múa của các vùng miền, cuộc thi đầu tiên này còn là thái độ của những người làm công tác trên lĩnh vực nghệ thuật múa đối với cuộc sống. Dưới góc nhìn của nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, thông qua việc dùng ngôn ngữ cơ thể để tạo nên hình hài tác phẩm mang lại niềm vui, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam đương đại. Khác với hài kịch, hiệu quả của múa hài không tạo ra tiếng cười tức thời, mà đằm thắm, sâu sắc. Thông qua hình tượng nghệ thuật để tạo nên niềm vui, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống. Từ việc nhận diện cái xấu để con người có thái độ trước cái xấu, cái chưa tích cực trong cuộc sống cũng đồng nghĩa với việc tôn vinh cái đẹp.

Đưa nghệ thuật múa hài đến gần công chúng

Theo BTC, đề tài, ngôn ngữ, chất liệu múa để xây dựng tác phẩm tham dự hội thi này không giới hạn không gian, thời gian, có thể sử dụng ngôn ngữ các thể loại múa: dân gian, cổ điển Châu Âu, hiện đại, hiphop, dance sport trên tinh thần thể hiện được nội dung, tính cách nhân vật, ý tưởng chủ đề của các phẩm, tạo nên tiếng cười ý nhị, sâu sắc vừa mang tính triết lý, vừa mang tính giải trí nhưng rất nhân văn, hướng tới chân- thiện- mỹ. Số lượng diễn viên tham gia trong mỗi tác phẩm múa hài không quá 5 người. Điều đáng mừng, tuy lần đầu tiên tổ chức, nhưng BTC đã nhận được 39 tác phẩm của 40 tác giả, trong đó có 2 tác giả chung nhau làm một tác phẩm. Riêng Đà Nẵng đem đến cho Hội thi 10 tác phẩm gồm: Hoàng tử và  con sãi chùa, Nghê và sư tử, Đấu chiêng, Nữ hoàng linh trưởng, Ông ăn chả bà ăn nem, Vợ sếp, Thầy bói xem voi, Mỳ Quảng, Ngược và xuôi, Cô du kích thôn Bưởi.

Bà Nguyễn Thị Hội An- Phó Giám đốc Sở VHTT TP- cho biết, đến với cuộc thi này, Đà Nẵng huy động các biên đạo, diễn viên từ các đoàn: Ca múa nhạc Quân khu V, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, Trường CĐ VHNT và các vũ đoàn tham gia. Qua đó để vừa trải nghiệm vừa thể hiện năng lực sáng tạo, sáng tác của mình. Cuộc thi cũng nhằm tạo cơ hội cho các đoàn nghệ thuật đóng trên địa bàn TP tìm ra các nhân tố giỏi, mới về đầu quân cho đơn vị mình. NSND Ưng Duy Thịnh cho biết, một trong những mục đích mà cuộc thi này hướng tới là muốn đưa nghệ thuật múa hài tiếp cận đến gần công chúng hơn. Vì lẽ đó, trong những ngày diễn ra cuộc thi, ngoài 1.000 vé mời, Nhà hát Trưng Vương vẫn còn hơn 200 chỗ ngồi để các khán giả Đà Nẵng yêu thích loại hình nghệ thuật múa hài đến xem. Bà Nguyễn Thị Hội An cho biết, sau cuộc thi này, Sở sẽ nghiên cứu để có kế hoạch trong việc chọn những tác phẩm có chất lượng công diễn cho công chúng.

P.THỦY