Đưa nông sản sạch đến người tiêu dùng

Thứ bảy, 13/10/2018 19:25

Với mong muốn quảng bá, giới thiệu nông sản "sạch" của địa phương đến với người tiêu dùng, ngày 12-10, UBND xã Hòa Phong (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức "Phiên chợ nông sản" năm 2018; đồng thời giới thiệu và chọn bánh tráng Túy Loan là sản phẩm đặc trưng trên địa bàn xã theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018-2020... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Nhân, sau nhiều năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã có thương hiệu riêng, giúp thay đổi tập quán sản xuất manh mún, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phiên chợ nông sản lần này không chỉ trọng tâm xây dựng nên những sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương mà trong tương lai hoặc kết nối nhiều hộ dân, hoặc nhiều thôn với nhau để hình thành một vùng sản phẩm có giá trị kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm bánh tráng Túy Loan.

Lần đầu tiên bước chân vào địa hạt giao thương nên không ít người nông dân 15 thôn trên địa bàn xã xen lẫn những hồi hộp và lo lắng, nhưng rồi tất cả đều nhanh chóng "vỡ òa" trước sự  nhiệt thành từ người tiêu dùng. Họ tất bật bán hàng không ngơi tay trước vòng người vây kín tham quan, mua sắm. Ngoài 2 sản phẩm chủ lực đã tạo nên thương hiệu cho địa phương là bánh tráng và rau sạch Túy Loan với đầy đủ chủng loại ăn lá, ăn quả thì các sản phẩm khác như nấm linh chi, nấm sò của nông dân thôn Cẩm Toại Đông; ớt xanh thôn Bồ Bản 1, 2; cá sinh học thôn Khương Mỹ; gà thả đồi, vườn các thôn Cẩm Toại Tây, Nam Thành... sớm nằm trong tình trạng hút hàng. Người nông dân lâu nay vốn quen với công việc đồng áng, lần đầu tiên tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm chính mình làm ra đến tận tay người tiêu dùng và được đón nhận một cách nồng nhiệt, hẳn nhiên ai cũng phấn khởi. Vừa tất bật giao lưu, trao đổi với khách hàng, anh Phan Văn Hùng (trú thôn Cẩm Toại Đông) chia sẻ: "Thú thật là từ trước đến nay chỉ biết đầu tắt, mặt tối để làm ra sản phẩm. Việc buôn bán đã có thương lái đến nơi thu mua, còn đưa đi đâu, bán thế nào chúng tôi chịu. Nhưng tham gia phiên chợ, chúng tôi có được cái nhìn cơ bản về thị trường. Sản phẩm chúng tôi làm ra được nhiều người chọn mua, bằng chứng là chỉ trong vài giờ đã bán hơn 20kg nấm các loại, trong đó nấm linh chi có giá 1 triệu đồng/kg". Còn theo khách hàng Nguyễn Thị Sương (trú P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ), đây là lần đầu bà đến phiên chợ nông sản vì nghe người quen giới thiệu về sản phẩm Gạo hữu cơ HP1 trồng ở cánh đồng Cẩm Toại Đông dẻo thơm, giá cả lại "mềm" 60 ngàn đồng/bao 4kg...

Nhiều mặt hàng nông sản tại phiên chợ thu hút người tiêu dùng.

Có thể nói, phiên chợ nông sản chính là sự kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng. Nhìn một cách trực quan, hầu hết các loại nông sản đặc trưng, thế mạnh của xã Hòa Phong đã có dịp khoe vị, tỏa hương. Phiên chợ chỉ gói gọn trong một buổi, doanh thu chưa nhiều nhưng đã nói lên được điều là người tiêu dùng luôn tin tưởng các loại nông sản sạch của địa phương. Tin tưởng không chỉ qua lời giới thiệu hoa mỹ, mà chính từ việc được mắt thấy, tai nghe, miệng nếm. Lòng tin ấy còn được vun đắp bởi hầu hết các loại nông sản đều chăm bón, bảo quản theo tiêu chuẩn an toàn được chứng nhận và kiểm soát... Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong Nguyễn Tiến Lực cho biết: "Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã hình thành, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đời sống người dân được nâng lên mà hơn hết là quan niệm về sản xuất nông nghiệp đã có nhiều tư duy đổi mới ở các chủ thể nông dân mới. Đây cũng chính là những trải nghiệm hết sức quý giá cho người nông dân trong việc định hướng làm ra các sản phẩm sạch, phục vụ đô thị".

VY HẬU