Đưa sâm Ngọc Linh thực sự trở thành “quốc bảo”

Thứ hai, 21/01/2019 09:00

Ngày 20-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và cắt băng khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum – báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ  vui mừng đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum – báu vật giữa đại ngàn”; đánh giá cao ý tưởng, sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kon Tum trong việc đưa di sản văn hóa, sản vật của tỉnh trong đó có sâm Ngọc Linh ra trưng bày ở Thủ đô Hà Nội ngay vào những ngày đầu của năm mới 2019.

Thủ tưởng khẳng định:  Kon Tum còn là nơi giàu tài nguyên được thiên nhiên ban tặng, trong đó có sâm Ngọc Linh một dược liệu quý, đặc biệt của Việt Nam, một loại sâm tốt nhất thế giới, hứa hẹn mang lại tiềm năng kinh tế to lớn của Việt Nam. Thủ tướng tin tưởng rằng, những giá trị văn hóa đặc sắc, sự trù phú của vùng đất, sự ưu ái của thiên nhiên sẽ góp phần tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong tương lai gần, Kon Tum sẽ là một biểu tượng du lịch sinh thái - văn hóa và nghỉ dưỡng của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Thủ tướng đánh giá cao việc lựa chọn Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức sự kiện này, bởi đây là nơi lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn của dân tộc, là nơi bạn bè quốc tế, nguyên thủ các quốc gia, doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm và tìm hiểu về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” của dân tộc, tinh hoa mà trời đất đã ban tặng do đó cần phải gìn giữ, bảo tồn, phát triển quốc bảo này thành quốc kế dân sinh cho người dân, đất nước...

Để đưa sâm Ngọc Linh thực sự trở thành “quốc bảo”, quốc kế dân sinh, Thủ tướng cho rằng cần có chiến lược cụ thể về thông tin truyền thông, nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm độc đáo cho hình ảnh cây sâm quốc gia để sâm Ngọc Linh và chế phẩm vươn ra thị trường thế giới... Thủ tướng tin tưởng và hy vọng rằng sâm Ngọc Linh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng, đưa Kon Tum, Quảng Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn của Việt Nam.

Triển lãm “Di sản văn hóa và sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 20-1 đến hết năm 2019.  Đây là lần đầu tiên có một triển lãm quy mô  giới thiệu, quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, con người, thiên nhiên, du lịch xứ sở đại ngàn - Kon Tum trong công cuộc hội nhập, phát triển. Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng về cây sâm Ngọc Linh - báu vật của đại ngàn trong thảm thực vật núi Ngọc Linh - Kon Tum.

Tại cuộc triển lãm, Ban tổ chức còn giới thiệu đến công chúng 200 hiện vật bao gồm nông cụ lao động; dụng cụ săn bắn, đánh bắt; đồ dùng sinh hoạt gia đình; ghè (ché), nồi đồng; trang phục, trang sức; nhạc cụ; tài liệu khoa học... Phần giới thiệu về sâm Ngọc Linh có sự phối hợp giữa trưng bày tài liệu, hiện vật với trưng  bày thực cảnh tái hiện rừng sâm Ngọc Linh. Qua phần này, công chúng có thể hiểu hơn về môi trường, đa dạng sinh học của vùng rừng núi Ngọc Linh; lịch sử phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn nguồn gốc, nhân giống và phát triển cây sâm Ngọc Linh; xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu, kết luận “Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay”.  Trên thế giới chỉ có Việt Nam với 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là vùng sâm có dược tính tốt nhất. Chính vì giá trị kinh tế, giá trị dược liệu đặc hữu, quý hiếm, sâm Ngọc Linh trong tự nhiên đã bị khai thác gần cạn kiệt, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn nguồn gen cũng như phát triển thương mại hóa sản phẩm để tiêu thụ trong nước và quốc tế.

T.THỦY – T.GIANG

Gửi gắm sứ mệnh cho cộng đồng các dân tộc

Phát biểu tại triển lãm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kon Tum - Xứ sở của đại ngàn, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có một vị trí địa lý - chính trị quan trọng của vùng đất cao nguyên năng động, giàu tiềm năng, một bộ phận cấu thành của Tây Nguyên và của Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum vẫn gìn giữ được không gian văn hóa cồng chiêng, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; các loại hình nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa xoang, diễn xướng sử thi, nhạc cụ, nghệ thuật dệt, đan lát rất tinh xảo, đặc biệt là các lễ hội nông nghiệp, văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông - nhà dài, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết...; truyền nối cho các thế hệ. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh Kon Tum là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài. Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum và đồng bào Tây Nguyên.

T.T