Dựa vào “3 trụ cột” trong Nghị quyết 43 để phát huy thương hiệu Đà Nẵng
Ông Phạm Thế Vỹ làm kinh doanh ở Đà Nẵng từ khi TP Đà Nẵng bắt đầu triển khai Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (năm 2003), với một luồng sinh khí mới mẻ, sôi động. Thời đó, ông mới vào nghề, còn hiện đang điều hành hãng Taxi Đà Nẵng. Nghị quyết 33 giờ đây đã được thay thế bởi Nghị quyết 43.
Trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Phạm Thế Vỹ đưa ra góc nhìn khá mới mẻ và thú vị về xây dựng thương hiệu TP Đà Nẵng theo Nghị quyết 43 của cộng đồng xã hội nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.
Ông Phạm Thế Vỹ |
P.V: Trên mỗi chiếc xe của hãng taxi ông điều hành, đều gắn biểu tượng trái tim màu đỏ nằm giữa hai chữ “I” (tôi) và Đà Nẵng, hiểu theo tiếng Việt có nghĩa là “Tôi yêu Đà Nẵng”. Tức là ông đang khai thác thương hiệu Đà Nẵng. Vậy ông nghĩ gì về thương hiệu TP Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay?
Ông Phạm Thế Vỹ: Ngày nay, hầu như rất ít người nhớ rằng, Đà Nẵng từng có tên gọi là Thái Phiên, danh xưng của chí sĩ cách mạng kiệt xuất đầu thế kỷ XX. Nói vậy để thấy, có rất nhiều điều về TP Đà Nẵng ngỡ như ai cũng biết mà kỳ thực không phải vậy. Nói đến thương hiệu Đà Nẵng, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những danh hiệu quốc tế, những xưng tụng trên các diễn đàn, mà thường lại không để ý đến những câu chuyện xưa, chuyện cũ, chuyện nhỏ. Chuyện xưa, theo tôi, đó là những sự kiện biến chuyển trong suốt nhiều thế kỷ để từ đó hình thành nên Đà Nẵng với diện mạo như hôm nay. Chuyện cũ là những sự kiện gần hơn nhưng hình như cũng đang bị quên dần; ví thử, đó là những câu chuyện rất ấn tượng về ông Nguyễn Bá Thanh, người góp công lớn và truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Còn chuyện nhỏ, đó là những hành xử, cử chỉ đời thường của cư dân thành phố.
Có một thực tế hết sức đáng lo, hiện nay, thông tin về cái xấu, cái ác dường như lan tỏa rất ác liệt, đôi khi che mờ cả cái hay, cái đẹp diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Trong khi, chính những cái hay, cái đẹp ấy mới là nền tảng, là chất liệu tạo nên thương hiệu của thành phố. Chỉ cần quan sát một chút cũng nhận ra rằng, mấy năm trở lại đây, những bài báo ngợi khen, cổ vũ cho TP Đà Nẵng có phần thưa thớt hơn. Trong khi đó, những vụ việc “nóng” có vẻ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều khi, tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao vậy? Phải chăng Đà Nẵng đã không còn hấp dẫn như xưa nữa? Hay do báo chí, truyền thông, dư luận quá khắt khe? Thật sự đây là những câu hỏi mà bản thân tôi chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Dù gì, cá nhân tôi vẫn thấy rằng, Đà Nẵng đẹp lên từng ngày. Xin lưu ý, tôi không nói về vẻ đẹp màu mè, phù phiếm, mà nói về vẻ đẹp phát tiết từ quá trình phát triển đi lên của thành phố, toát ra từ cử chỉ, ánh mắt, nụ cười chúng ta gặp trên phố mỗi ngày.
P.V: Cộng đồng kinh doanh hưởng lợi gì từ thương hiệu, hay có thể nói là danh tiếng của Đà Nẵng, thưa ông?
Ông Phạm Thế Vỹ: Tôi đi khá nhiều nơi, mỗi khi giới thiệu đến từ TP Đà Nẵng, hầu như luôn nhận được thái độ biểu cảm rất tích cực từ những người đối diện. Đó là chi tiết nhỏ thôi, nhưng đôi khi cũng khiến bạn bè tôi ở các địa phương khác ganh tỵ đấy. Với tôi, chỉ riêng được sống, làm việc, mưu sinh ở TP Đà Nẵng cũng là một điều may mắn. Còn ở góc độ kinh doanh, không chỉ riêng tôi, mà tin chắc rằng, hầu hết mọi doanh nhân từ những chủ doanh nghiệp lớn đến những cơ sở nhỏ, đều thụ hưởng lợi ích từ thương hiệu Đà Nẵng. Đơn cử, mỗi năm thành phố thu hút được gần 8 triệu lượt khách du lịch, tính sơ sơ, mỗi người dân tiếp đón 8 – 10 lượt du khách mỗi năm. Tất nhiên, chúng ta không thể suy diễn một chiều, rằng thành phố đưa khách tới cho doanh nghiệp khai thác, mà phải hiểu đây là mối quan hệ qua về rất khăng khít, bản thân doanh nghiệp với những dịch vụ, hàng hóa tung ra thị trường cũng là những “thỏi nam châm” thu hút khách..., nhưng trên đại thể thì sự thụ hưởng của doanh nghiệp vẫn rất rõ ràng. Nói cách khác, cộng đồng kinh doanh hoàn toàn có thể thành thực nói lời cảm ơn với TP Đà Nẵng.
Nhân đây, tôi cũng xin nói rằng, xây dựng thương hiệu TP Đà Nẵng không thể nào là “việc riêng” của chính quyền, mà thực sự là trách nhiệm của cả cộng đồng. Chúng ta có thịnh vượng hay không, làm ăn có thuận lợi hay không, hàng hóa dịch vụ làm ra có ai tiêu thụ cho hay không..., một phần rất quan trọng phụ thuộc vào công việc này. Đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu không có đủ thông tin tích cực để lấn át thông tin tiêu cực, e rằng rất khó tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển, thịnh vượng.
P.V: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp phải làm gì để phát triển thương hiệu Đà Nẵng?
Ông Phạm Thế Vỹ: Mới hôm rồi, Cty chúng tôi sơ kết, anh em báo là đã trả lại tiền, điện thoại, tài sản có giá trị cho hàng chục lượt khách hàng bỏ quên trên xe. Tôi rất cảm kích trước hành xử của anh chị em. Thế nhưng, như thế, liệu đã góp phần phát huy thương hiệu Đà Nẵng hay chưa, ít nhất là như mong muốn hay chưa? Phải thú thật rằng, chưa. Những việc làm đó với một người thì rất quý nhưng với một cộng đồng thì còn rất nhỏ bé. Chúng ta cần phải hiểu rằng, phát triển, hay phát huy thương hiệu TP Đà Nẵng không phải đơn giản chỉ là xưng tụng, tôn vinh cảnh quan, con người, hành xử, nghĩa cử đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khen thưởng – dù những điều này đặc biệt có ý nghĩa và cần khuyến khích. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải không ngừng suy nghĩ, trăn trở, nỗ lực để phát triển bản thân, cơ sở kinh doanh của mình, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao trình độ, tầm mức phát triển của thành phố. Cái này không thể “làm màu” được, mà phải thực sự rất nỗ lực.
Chúng tôi rất chú ý đến Nghị quyết 43 (Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – P.V). Trong Nghị quyết có đoạn nói rằng, phát triển thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính, gồm du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Tôi cho rằng, về phía chính quyền thành phố, cần có những kế hoạch, công trình, dự án cụ thể để phát triển mạnh mẽ 3 trụ cột đó. Về phía mỗi người dân, doanh nghiệp, bằng nỗ lực bản thân, góp phần nhỏ bé của mình làm cho 3 trụ cột này vững chắc, để bạn bè, đối tác gần xa biết đến, là đã thực sự góp phần xây dựng thương hiệu TP Đà Nẵng rồi. Tất nhiên, cùng với quá trình đó, cũng phải mạnh mẽ lên án, chống lại cái sai, cái xấu, cái ác vẫn tồn tại đâu đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tôi cũng tin chắc rằng, với bất cứ doanh nghiệp nào, nếu thật lòng thật dạ nỗ lực chung tay góp phần phát huy thương hiệu Đà Nẵng thì chỉ có lợi chứ không có hại gì cả, chưa kể cũng cảm thấy lòng mình thanh thản nữa!
P.V: Cảm ơn ông!
NGUYỄN LÊ (thực hiện)