Dùng chứng chỉ ngoại ngữ xét tuyển vào lớp 10: Cần đảm bảo công bằng cho thí sinh

Thứ năm, 29/02/2024 09:45
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định. Đối với các địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại Điều 7 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2019 về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo Bộ GD-ĐT, việc thực hiện đúng quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh ở các vùng, miền, có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023. Ảnh: X.Sơn
Thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023. Ảnh: X.Sơn

Tuyển thẳng không đúng quy định

Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3-5-2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định 4 đối tượng được tuyển thẳng vào THPT, đó là: Học sinh (HS) trường phổ thông dân tộc nội trú; HS là người dân tộc rất ít người; HS khuyết tật; HS đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Về đối tượng được cộng điểm ưu tiên, Bộ GD-ĐT giao Sở GD-ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.Cụ thể, nhóm đối tượng 1: Con liệt sỹ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên; Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nhóm đối tượng 2: Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

Nhóm đối tượng 3: Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (như giải thi HS giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ).Lý giải nguyên nhân áp dụng tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS, theo một số địa phương, chính sách này nhằm tạo động lực, giúp các em học tốt ngoại ngữ hơn, nhất là tỉnh có điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh còn thấp, cần cải thiện. Việc cộng điểm ưu tiên đối với HS có chứng chỉ IELTS cũng được xem là cách nhằm giảm áp lực thi cử không cần thiết với những thí sinh có chứng chỉ.

Song, nhiều ý kiến từ phía giáo viên, phụ huynh và HS cho rằng: Chứng chỉ IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của HS ở các môn học. Nếu xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS dễ dẫn đến việc HS học tủ, học lệch, lơ là các môn học cơ bản khác. Bên cạnh đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương có tính cạnh tranh cao, mức độ gay gắt hơn tuyển sinh đại học, nếu rộng cửa cho thí sinh có chứng chỉ IELTS cũng sẽ tạo nên sự bất bình đẳng đối với HS vùng khó, các gia đình nghèo không có điều kiện ôn luyện.

Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định, quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GD-ĐT không có quy định liên quan đến chứng chỉ IELTS và Bộ cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Vừa qua, Bộ GD-ĐT nhận thấy, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương cần điều chỉnh ngay để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo quy chế tuyển sinh đã ban hành.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chia sẻ: Trước đây, Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT năm 2014 có quy định về chế độ khuyến khích, giao cho các Sở GD-ĐT đề xuất, tiến hành nhưng quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập. Đó là, một mặt khuyến khích HS học ngoại ngữ, đạt chứng chỉ quốc tế nhưng mặt khác lại tạo ra sự không công bằng. Bởi những vùng thuận lợi như ở thành phố, thị xã, các em có điều kiện và gia đình cũng tạo điều kiện để các em thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Trong khi đó, HS ở các vùng khó khăn hơn trong cùng địa bàn tuyển sinh dù có năng lực, trí tuệ, tiềm năng nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí, không thể đi thi để lấy chứng chỉ được.

Chính vì thế, năm 2018, Bộ GD-ĐT đã sửa đổi thông tư, trong đó bãi bỏ Khoản 3 của Điều 7 về chế độ khuyến khích.Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân của HS, học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc sau này chứ không phải chỉ để thi lấy chứng chỉ, tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Vì vậy, các bậc cha mẹ HS hãy nghĩ về lợi ích lâu dài của việc học ngoại ngữ; không nên chạy đua với mục đích có được sự ưu tiên khi cộng điểm tuyển sinh.Nếu các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ thì việc học đó rất đáng khuyến khích, giúp các em học, rèn luyện đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Những HS đã được đầu tư học tập như vậy thì khi thi vào lớp 10 có môn Ngoại ngữ, bản thân các em sẽ tự tin hơn.

Về phía các địa phương, sau khi có văn bản của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo một số Sở GD-ĐT cho biết, sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Trong năm 2024, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.

Việt Hà