Dùng dằng đi, ở!

Thứ bảy, 28/10/2017 10:53

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây đang căng thẳng đến mức cao chưa từng thấy, chủ yếu là do các xung đột lợi ích ở Syria và cuộc khẩu chiến gay gắt quanh nhiều vấn đề.

Ankara với Mỹ và EU đã trải qua một thời kỳ cực kỳ căng thẳng, đặc biệt kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara rất băn khoăn về việc các đồng minh NATO không sẵn lòng dẫn độ hàng trăm người bị buộc tội liên quan đảo chính hoặc có liên kết tới mạng lưới bị cáo buộc đứng sau vụ việc này. Mâu thuẫn lợi ích với Washington cũng dẫn dắt Ankara thay đổi đối tác trong ván bài Syria. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây không thể từ bỏ lẫn nhau, nhưng mức độ hợp tác có thể thay đổi tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng.

Cho đến năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn vui vẻ bắt tay hợp tác với Mỹ nhằm lật đổ chính phủ Syria. Nhưng khi trở nên nặng nề với vấn đề Washington hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, Ankara đã chuyển sang bắt tay với Nga và Iran nhằm giải quyết xung đột ở quốc gia Trung Đông này.  Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy lo lắng với suy nghĩ rằng - Mỹ, được một số nước Châu Âu hậu thuẫn, đang nỗ lực hướng đến sự xuất hiện của một quốc gia người Kurd ở Trung Đông.

Trong những tháng gần đây, Ankara nhiều lần ám chỉ sự thất vọng với một số đồng minh phương Tây, ngụ ý rằng, họ đang âm mưu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Mỹ và Đức liên tục chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đã bắt giữ một số công dân của họ với cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính năm 2016 hoặc đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn nằm trong danh sách nhóm khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, và EU. Ngoài ra, Ankara cũng bị EU và Washington cáo buộc đã “loại bỏ các quy định của pháp luật” sau cuộc đảo chính thất bại.

Mọi việc đang chông chênh hơn bao giờ hết. Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây vẫn chưa biết sẽ đi đến đâu. Nhưng có một sự thật, cho dù đến mức nào, rõ ràng, mối quan hệ vốn nồng ấm giữa hai bên sẽ không thể “đứt gánh giữa chừng”. Bởi thực tế cho thấy, đây là kiểu quan hệ có qua có lại, đôi bên cùng có lợi. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn mãi là trọng tâm trong chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) vì những hợp tác an ninh lâu dài, lợi ích kinh tế và địa chính trị.

THANH VĂN