Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

"Đừng để sinh viên sư phạm mới ra trường đã phải đào tạo lại"

Thứ năm, 05/02/2015 10:43

(Cadn.com.vn) - Hội thảo "Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông" do Bộ GD-ĐT tổ chức trong 2 ngày 4 và 5 tại Đà Nẵng đã chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong công tác đào tạo tại các trường sư phạm (SP).

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, các trường SP hiện chỉ mới chú trọng đến yếu tố truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đến việc đào tạo sinh viên sư phạm (SVSP) phát triển được năng lực, tính chủ động, sáng tạo...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: P.T

Đổi mới từ các trường sư phạm

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông thì cần phải đổi mới toàn diện trên tất cả các phương diện liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (GV, CBQLGD) trong  các trường SP sao cho phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Phải đào tạo sao để SV được thực hành, thực nghiệm ngay khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường và khi ra trường thì áp dụng ngay vào thực tế dạy học tại cơ sở trường học.

Thứ trưởng Hiển đơn cử, thực tế đã và đang diễn ra trong môi trường đào tạo ngành SP hiện nay là, nhiều SV khi đi thực tập thì được trường học nhận xét tốt,  thế nhưng vài tháng sau khi đi xin việc lại bị chê và không được tiếp nhận. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, các trường SP cần quan tâm, chú trọng đến mối quan hệ, phối hợp, hợp tác với các trường mầm non, phổ thông để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ GV đạt chuẩn nghề nghiệp cho xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói vui rằng, chưa chắc giảng viên đang dạy tại các trường SP khi xuống dạy thực tế tại các trường phổ thông có thể dạy tốt bằng các GV phổ thông. Đồng thời đề cập đến vấn đề, các trường SP đã mời các GV, các nhà QLGD ở các trường phổ thông về trao đổi kinh nghiệm dạy học cho SV hay chưa?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, các trường phổ thông phải cùng góp sức cùng các trường SP đào tạo SVSP. So với ngành Y, Thứ trưởng Hiển cho rằng, ngành SP chưa làm tốt khâu phối hợp giữa đào tạo với các trường học. Ông đơn cử, những giảng viên trường y đồng thời cũng là những bác sĩ có tay nghề cao, có uy tín tại các bệnh viện...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề cập đến một vấn đề mà lâu nay chưa hoặc ít được đề cập đến đó là, đối với đội ngũ GV, giảng viên, CBQLGD thì được bồi dưỡng, đào tạo lại, vậy còn đội ngũ giáo sư (GS) thì ai sẽ làm việc này? "Khó nhất là đổi mới trong đội ngũ GS. Bởi trong giáo dục, đội ngũ GS là cao nhất!". Theo đó, Thứ trưởng Hiển cho rằng, đội ngũ GS phải tự đổi mới chính mình. Vì thế, vấn đề tự đổi mới chính mình trong đội ngũ GS nói riêng và giảng viên, các nhà quản lý giáo dục là rất quan trọng. Theo đó, đội ngũ trí thức trong ngành GD-ĐT phải luôn luôn ý thức tự đổi mới, tự học, không ngừng tự nâng cao kiến thức chuyên môn của mình...

Liên quan đến vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục cần được bắt đầu từ các trường SP, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng- Cục Nhà giáo và CBQLCSGD Bộ GD-ĐT- cho rằng, đã có một thời gian dài, nhiều trường SP đào tạo SV theo năng lực đào tạo của trường, không bám sát nhu cầu thực tế ở các trường mầm non và phổ thông, chưa gắn kết với công tác quy hoạch đội ngũ của ngành, của từng cơ sở GD-ĐT và các cơ sở GD mầm non, phổ thông. Chính vì không dự báo về dự nguồn đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của xã hội nên nhiều SVSP tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc làm.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng, thực tế cho thấy, nhiều trường SP chậm thay đổi, không bắt kịp với những đổi mới của GD Mầm non, phổ thông. Trong công tác tuyển sinh chưa nghiên cứu kỹ giữa nhu cầu tuyển dụng và thực tế. Đặc biệt, chậm đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo cũng như các hình thức tổ chức dạy học hay ứng dụng CNTT vào thực tiễn dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập SV...

Cần đổi mới toàn diện, đồng bộ theo hướng chuẩn nghề nghiệp

Để đáp ứng với nhu cầu đào tạo xã hội hiện nay, theo PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng cần phải "chuyển đổi căn bản toàn bộ nền GD từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, biết vận dụng giải quyết những vấn đề thực tế, chuyển nền giáo dục nặng về chữ nghĩa, ứng thí sang nền GD thực học, thực nghiệp".

Trong 4 yêu cầu, nhiệm vụ cần đổi mới với các cơ sở đào tạo SP, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng nhấn mạnh đến yếu tố nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQLGD theo hướng thực học, thực nghiệm... Góp mặt tại hội thảo với tư cách khách mời, TS Michel J.Welmond- Điều phối Chương trình quốc gia, Trưởng nhóm Chuyên gia GD Văn phòng quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại VN- cho rằng, việc thay đổi những gì đang diễn ra trong trái tim, khối óc của HS là nhiệm vụ không hề đơn giản của bất kỳ hệ thống GD-ĐT nào.

Cũng theo TS Michel J.Welmond, kinh nghiệm từ những hệ thống GD tốt nhất trên thế giới cho thấy có 3 điểm rất quan trọng đóng góp cho sự thành công đối với những nước có hệ thống GD-ĐT phát triển vượt bậc đó là: Tuyển đúng người làm giáo viên; Phát triển GV thành những người hướng dẫn hiệu quả; Đảm bảo hệ thống GD phổ thông hỗ trợ tới từng HS. Áp dụng vào bối cảnh GD-ĐT tại Việt Nam, ông cho rằng người giáo viên cần luôn tự cập nhật và được bồi dưỡng để làm tốt vai trò  của mình. Theo đó, để giúp HS hình thành năng lực, đòi hỏi người GV phải là những nhà giáo chuyên nghiệp có tinh thần hợp tác cao...

 Một số tham luận đến từ các Sở GD-ĐT Hà Nội, Thái Bình và Hòa Bình đã chỉ ra một số hạn chế về đội ngũ giáo sinh (SV thực tập) cũng như GV mới ra trường đó là: hạn chế về kỹ năng giáo dục, nhất là giải quyết vấn đề, hạn chế về nghiệp vụ SP, phương pháp dạy chưa phù hợp với HS...

Theo đó, các đại biểu đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho SV SP thông qua hoạt động thực tập SP, đồng thời nhấn mạnh đến yếu tố cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá SV theo chuẩn đầu ra đối với các trường SP dựa trên căn cứ chung của Chuẩn nghề nghiệp GV; quan tâm hơn nữa đến chương trình bồi dưỡng kiến thức chung về QLGD...

Đặc biệt, đại diện các Sở GD-ĐT cũng cho rằng, trong quá trình hướng dẫn thực tập SP, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động của các giảng viên các trường SP. Theo đó, giảng viên các trường SP phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với GV các trường MN, phổ thông theo tác động phối hợp 2 chiều, tránh thực tập có tính chất chiếu lệ, cho có...  

Là nơi trực tiếp và quyết định đến chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý, có thể nói sự đổi mới GD cần phải được bắt đầu từ các trường SP. Theo đó, điều then chốt của việc đổi mới trong đào tạo GV, CBQL cần phải mang tính đồng bộ, đạt chuẩn nghề nghiệp; chú trọng việc xây dựng chuẩn đầu ra cho SVSP...

Phải làm sao việc đào tạo phải phát huy được tính chủ động sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của SVSP, để họ thực nghiệp tốt ngay khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường. Như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh, phải đào tạo làm sao để "đừng để SVSP mới ra trường đã phải đào tạo lại".

P.T