Đừng để văn bản trói buộc lẫn nhau

Thứ sáu, 24/04/2015 10:24

(Cadn.com.vn) - Nhiều vướng mắc, chồng chéo và bất cập trong triển khai thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ (NĐ 115) về Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giáo dục - đó là ý kiến đóng góp của đa số đại biểu dự hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện NĐ 115 do liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ tổ chức trực tuyến sáng 23-4 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Đại diện Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng phát biểu ý kiến tại đầu cầu Đà Nẵng.

Còn chồng chéo, chưa thống nhất

NĐ 115 do Chính phủ ban hành quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD với 3 nguyên tắc cơ bản: Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GD; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao; phân công, phân cấp và xác định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm về lĩnh vực GD của các Bộ, UBND các cấp và các cơ quan có liên quan, đồng thời phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý GD các cấp trong việc thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao.

Theo đó, bên cạnh các mặt đạt được, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy: Qua 4 năm thực hiện NĐ115 đã bộc lộ một số tồn tại nhất định. Cụ thể, về phía Bộ GD-ĐT: Một số văn bản còn chậm ban hành hoặc chậm sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế; công tác kiểm tra, thanh tra của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đối với các địa phương trong việc tổ chức thực hiện NĐ 115 và Thông tư liên tịch 47 (TTLT) hướng dẫn thực hiện NĐ này chưa được thường xuyên. Theo đó, một số vướng mắc của địa phương chậm được tháo gỡ, nhất là việc đảm bảo vị trí việc làm, số lượng người làm việc của các cơ sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Mặc khác, một số nội dung tại TTLT 47 chưa thật sự phù hợp với các quy định tại NĐ 115, dẫn đến việc triển khai thực hiện ở địa phương gặp khó khăn và vướng mắc.

Về phía các Bộ, cơ quan ngang bộ, công tác phối hợp với Bộ GD-ĐT trong thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD chưa được thường xuyên. Một số nhiệm vụ quy định tại NĐ 115 chưa được triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chưa đúng. Các bộ, ngành còn thiếu và còn hạn chế về năng lực đối với cán bộ quản lý về GD đại học, trung cấp chuyên nghiệp.

Về phía địa phương, mặc dù NĐ 115 đã đi vào cuộc sống được 4 năm, nhưng đến nay vẫn còn một số địa phương chậm ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở, Phòng GD-ĐT, trong đó có địa phương ban hành quy định không đúng với NĐ 115 và TTLT 47. Nhiều địa phương chưa phân cấp, phân quyền rõ ràng cho Sở GD-ĐT và các Phòng GD-ĐT trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực GD, nhất là trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó, người đứng đầu các cơ sở GD-ĐT thuộc UBND cấp quận, huyện...

Một số địa phương hiện chưa bố trí đủ số lượng người làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là cấp Phòng; nhiều Sở GD-ĐT không nắm đầy đủ thông tin về nguồn lực tài chính đầu tư cho GD-ĐT. Hầu hết các Phòng GD-ĐT trên phạm vi cả nước chưa được UBND cấp quận, huyện giao quyền chủ động trong công tác quản lý ngân sách...

Các ý kiến đóng góp cho thấy, trong quá trình thực hiện NĐ 115 và TTLT 47, mỗi địa phương có cách làm riêng, chưa có tính thống nhất, còn chồng chéo, bất cập trong việc phân cấp quản lý giữa NĐ 115, TTLT 47 với NĐ 37... Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo này, theo ông Quách Việt Tùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, do có quá nhiều văn bản, quy định khác của Chính phủ, của Bộ, lại nằm rời rạc, nhiều văn bản hướng dẫn Luật Công chức, viên chức cùng sự có mặt của những quy định mới dẫn đến việc thực hiện NĐ115 và TLTL 47 đã có sự chồng chéo gây vướng mắc, gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện của địa phương... Rất nhiều đại biểu “than” về sự bất cập trong định biên biên chế đội ngũ công tác tại Sở, Phòng GD-ĐT.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, biên chế đội ngũ đang công tác tại Phòng, Sở còn thiếu, trong khi đó, việc điều động cán bộ quản lý giỏi từ cơ sở về Phòng và Sở GD-ĐT lại gặp nhiều khó khăn vì chẳng ai muốn về đây công tác bởi sợ bị ảnh hưởng về các quyền lợi.

Đồng quan điểm này, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, công tác điều động cán bộ quản lý có năng lực, GV ở các đơn vị trường học về Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT tại Cà Mau hiện gặp không ít khó khăn, thậm chí có khi không thể điều được do ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng về phụ cấp thâm niên nhà giáo và phụ cấp đứng lớp. Một số ý kiến đóng góp rất xác đáng về việc cần điều chỉnh chế độ chính sách liên quan đến hệ cử tuyển và sử dụng nguồn nhân lực cử tuyển sao cho vừa đảm bảo tính nhân văn nhưng đồng thời cũng đảm bảo được tính công bằng đối với những người học chính quy ra trường nhưng không xin được việc làm, đặc biệt là phải đảm bảo được chất lượng phục vụ công tác của đội ngũ hệ cử tuyển này.

Đừng để văn bản trói buộc lẫn nhau

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, không nên chỉ dừng lại ở việc sơ kết 4 năm thực hiện NĐ 115, mà thông qua việc sơ kết lần này để thấy được vấn đề quan trọng ở đây là cách dùng người như thế nào để thực hiện tốt NQ 29 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đó, nếu còn tồn tại cơ chế chính sách như hiện nay đối với GD-ĐT sẽ làm cho người giỏi, người tài không muốn làm quản lý GD. Bởi xét cho cùng mọi sự đổi mới đều từ yếu tố con người.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ phải có văn bản sớm điều chỉnh TTLT 47, đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện NQ 29 một cách cụ thể, chi tiết; liên bộ cần cụ thể về biên chế tối thiểu và tối đa của Sở, Phòng; khi ban hành văn bản triển khai NĐ cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan để thực hiện tốt... Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cần Thơ cũng cho rằng, một số quy định trong NĐ 115 cũng như TTLT 47 không còn phù hợp thì cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, bởi lẽ “cái áo đã chật rồi mà không thay thì không được”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ tâm tư của các đại biểu qua các ý kiến đóng góp và cho rằng: Nói gì thì nói, NĐ 115 đã đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về giáo dục. Tất nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có những vướng mắc.

Điều quan trọng là các Bộ và các địa phương cần linh hoạt, chủ động, thường xuyên cập nhật các quan điểm của Đảng, Trung ương, Quốc hội liên quan đến lĩnh vực GD, phải tiếp cận được những điểm mới (cụ thể ở đây là NQ 29) để giải quyết những vướng mắc của NĐ 115, tạo ra sự đột phá trong quản lý GD. Theo đó, bên cạnh việc quán triệt nguyên tắc của văn bản thì cũng cần đổi mới trong tư duy để linh hoạt xử lý các vấn đề trong thẩm quyền cho phép, những vướng mắc vượt thẩm quyền thì đề xuất ý kiến cấp trên.

“Phải làm sao để các văn bản “mở đường”, để đổi mới giáo dục, để giáo dục được khai thông, đừng để văn bản trói buộc lẫn nhau. Theo đó, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cần ngồi lại với nhau để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện NĐ 115 phù hợp với thực tiễn, để sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành...”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

P.Thủy