Dùng "thẻ công vụ" đánh giá năng lực cán bộ

Thứ bảy, 12/05/2018 16:00

Để đánh giá năng lực, thái độ, cung cách làm việc của công chức trong quá trình tiếp xúc với dân, giải quyết công việc chuyên môn... có nhiều cách, tuy nhiên cách làm của Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng)-dùng thẻ công vụ để thực hiện đang được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và khuyến khích các quận huyện trên địa bàn cùng áp dụng...

Việc dùng thẻ để thưởng, phạt của UBND Q.Thanh Khê được đánh giá cao.

Tại UBND Q.Thanh Khê, mô hình dùng thẻ để thưởng, phạt trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được xem là một hình thức giám sát hoàn toàn mới, buộc công chức, người lao động phải tự điều chỉnh bản thân, nỗ lực hơn trong công việc. Theo đó, có 3 loại thẻ được sử dụng để đánh giá là thẻ xanh, vàng, hồng và thẻ có hiệu lực 3 năm kể từ ngày ban hành. Trong đó, thẻ xanh dùng để nhắc nhở, thẻ vàng dùng để phê bình do vi phạm thực thi công vụ và thẻ hồng dùng để khen thưởng đột xuất trong thực thi công vụ.

Được biết, năm 2017 Q. Thanh Khê áp dụng thẻ khen thưởng cán bộ và thẻ này được áp dụng cho cán bộ tại các cơ quan, đơn vị UBND 10 phường và các trường học thuộc quận. Nói cụ thể hơn về việc áp dụng các loại thẻ, ông Phạm Đình Minh Hải- chuyên viên Phòng Nội vụ Q.Thanh Khê cho hay: Đối với thẻ xanh, sẽ được áp dụng khi cán bộ vi phạm lần đầu, vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hay có đơn thư tố cáo, kiến nghị về thái độ, hành vi gây phiền hà. Đối với những cán bộ nhận thẻ xanh, tùy theo số lần sẽ được quy định từng mức xử lý khác nhau. Như, thẻ xanh lần một, cán bộ đó sẽ không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhận thẻ xanh lần hai, không được xem xét nâng lương trước thời hạn, không xét thi đua khen thưởng và nhận thẻ xanh lần ba, sẽ không xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý trong nhiệm kỳ. Đối với thẻ vàng được quy định áp dụng khi cán bộ nhận hai thẻ xanh hoặc vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nghiêm trọng.  Khi nhận thẻ vàng lần đầu sẽ không xem xét nâng lương trước thời hạn, nhận lần hai không cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong 3 năm liền kề, không xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo quản lý trong nhiệm kỳ.

Trong 3 sắc màu xanh-vàng-hồng, thì sắc hồng luôn được cán bộ, đơn vị "nhắm" tới. Sự nỗ lực trong công tác, được các cấp đánh giá cao sẽ được vinh dự nhận thẻ hồng. Đặc biệt những cán bộ có đề tài, sáng kiến mang lại hiệu quả thực tiễn, có thành tích đột xuất được tập thể, đồng nghiệp ghi nhận. Nếu như nhận càng nhiều thẻ xanh, thẻ vàng đồng nghĩa với "nặng tội" thì càng nhiều thẻ hồng, cán bộ đó lại càng có nhiều quyền lợi. Nhận hai thẻ hồng được tặng giấy khen và tiền thưởng. Bên cạnh đó, thẻ hồng còn được ghi nhận thành tích cao hơn (xóa vi phạm) nếu cá nhân, tập thể trước đó bị thẻ xanh, thẻ vàng nhưng sau này nhận được thẻ hồng thì mặc nhiên được xóa bỏ 2 "thẻ xấu" kia. Không chỉ vậy, trong 3 năm nhận thẻ hồng liên tục, nếu chưa giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; nếu đang là lãnh đạo, quản lý thì được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Ông Hải cho biết thêm, trong trường hợp nhận 3 thẻ xanh hoặc 2 thẻ vàng thì sẽ không xem xét quy hoạch, bổ nhiệm. Thông thường, trong cặp lãnh đạo quận luôn có thẻ... thường trực. Quá trình đi kiểm tra, phát hiện sẽ "tuýt còi" giơ thẻ ngay. Đối với những trường hợp phức tạp, lãnh đạo sẽ giao cho Phòng Nội vụ xác minh sau đó mới ra quyết định xử phạt tùy vào mức độ.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh - Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê là người trực tiếp ký vào thẻ. Trong năm 2017, ông đã ban hành 15 thẻ xanh nhắc nhở, 5 thẻ vàng phê bình và 4 thẻ hồng khen thưởng.  Như vậy cho thấy, nhiều cá nhân đã bị loại khỏi vòng quy hoạch hay bổ nhiệm từ nay đến hết năm 2020, trong đó có người đang là chủ tịch phường, trưởng phòng cấp quận, đội trưởng... Nhận xét về hình thức dùng thẻ khen thưởng, xử phạt cán bộ mà UBND Q.Thanh Khê đang áp dụng, ông Huỳnh A. (P.Hòa Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng) cho rằng cách làm này rất hay, rất sát thực. "Đây không chỉ thể hiện việc chính quyền lắng nghe ý kiến của dân mà đối với cán bộ là sự tự đào thải mình. Người nào cố gắng, nỗ lực "rèn" bản thân ắt sẽ không bị "dính thẻ", ngược lại nếu "buông thả" bản thân thì bị "xử" liền. Ngoài ra, chính việc áp dụng thẻ này đòi hỏi bộ máy công quyền tại địa phương sẽ phải tự điều chỉnh theo hướng loại bỏ những nhân sự không đạt chuẩn ra khỏi guồng máy. Nghiêm túc thực hiện cách làm này, chắc chắn sẽ đảm bảo sự trong sạch trong CBCC...", ông A. nói.

Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về việc dùng thẻ công vụ để làm căn cứ bổ nhiệm, quy hoạch, ông Đặng Hữu Yên- Trưởng Phòng Nội vụ Q.Thanh Khê cho biết thêm, từ khi áp dụng thẻ, cuối năm, việc đánh giá cán bộ được rõ ràng hơn. Chính từ cơ sở họ biết rõ quy định đối với nhân sự như thế nào là đạt và không đạt nên không đưa vào danh sách.  Nếu trường hợp vẫn đưa vào danh sách thì khi đưa ra hội đồng thi đua khen thưởng cũng nhanh chóng được "loại bỏ". Có thể thấy, việc dùng thẻ để đánh giá cán bộ trong quá trình thực thi công vụ đã đánh vào tâm lý của mỗi cán bộ và cũng là căn cứ xác đáng để đánh giá xếp loại cuối năm cho từng cán bộ. UBND Q.Thanh Khê là đơn vị đầu tiên áp dụng cách làm này và đang được người dân trên địa bàn ủng hộ, lãnh đạo TP ghi nhận. Thiết nghĩ, đây là cách làm hay vì vậy cần được nhân rộng góp phần làm tốt công tác cải cách hành chính trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng.

TRANG TRẦN