Được “giải cứu” hay bị “giam lỏng”?

Thứ hai, 16/12/2019 13:59

Vụ việc hàng chục cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) sau khi được giải thoát khỏi hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép nhưng bị chậm thả về môi trường tự nhiên do vướng thẩm quyền xảy ra tại Quảng Trị đã gây không ít băn khoăn trong công tác giải cứu, bảo vệ ĐVHD.

Chiều 3-12, lực lượng tuần tra phối hợp giữa ngành Hải quan và BĐBP thực hiện nhiệm vụ tại khu vực xã biên giới A Ngo (H. Đakrông, Quảng Trị) phát hiện ô-tô BKS 74B-004.3x lưu thông trên QL14 hướng từ xã A Ngo ra phía QL9 có nhiều nghi vấn nên tiến hành theo dõi. Khi đến Km49 QL9 (xã Đakrông, H. Đakrông), tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để đưa về trụ sở Đội Kiểm soát Hải quan (KSHQ thuộc Cục Hải Quan Quảng Trị)  để khám phương tiện. Sau khi công bố quyết định khám phương tiện, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Dư Hà, chủ phương tiện, tổ công tác phát hiện số lượng hàng hóa trên xe hàng chục thú rừng gồm: 26 cá thể Dúi (47 kg), 20 cá thể Hon (55 kg), 2 cá thể Chồn (4kg). Ngoài các cá thể động vật rừng còn sống nhưng đã yếu ốm, tổ công tác còn phát hiện 210kg gỗ xẻ thanh, nghi gỗ cẩm lai và nhiều động vật rừng đã chết.

Bước đầu, ông Hà khai được một người đàn ông không rõ danh tính thuê vận chuyển toàn bộ số lâm sản trên tại khu vực Km50 QL14 thuộc xã A Ngo để đưa về TP Đông Hà. Lực lượng phối hợp đã tiến hành kiểm tra, phân loại, lập biên bản chứng nhận sự việc và tạm giữ số hàng hóa trên; thống nhất giao cho Đội KSHQ chịu trách nhiệm quản lý số hàng hóa tạm giữ và tiếp tục xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, diễn biến tình hình sau đó lại nảy sinh vướng mắc.

Ngày 4-12-2019, Đội KSHQ có Công văn 398 báo cáo với Cục Hải quan tỉnh về vụ việc, trong đó có nội dung quá trình xác minh ban đầu nhận thấy đơn vị chưa có đủ căn cứ và điều kiện để xác định được nguồn gốc cũng như giống, loài của các loại động vật và sản phẩm của các loài động vật là tang vật vụ việc trên; không có đủ căn cứ xác định có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước hay nước ngoài. Từ đây, Đội KSHQ đề xuất với lãnh đạo Cục Hải quan xem xét cho chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc đến Hạt Kiểm lâm Đakrông (gọi tắt Hạt Đakrông) để xử lý theo quy định. Cùng ngày, Đội KSHQ đã có Công văn 399 gửi Hạt Đakrông về đề nghị phối hợp, chuyển hồ sơ, tang vật, phương tiện và đối tượng vi phạm đến Hạt Đakrông xử lý theo quy định...

Hạt Đakrông cũng nhanh chóng trả lời và cho rằng địa điểm phát hiện ô-tô BKS 74B-004.3x lưu thông có biểu hiện nghi vấn là giáp ranh giữa A Ngo và Tà Rụt, địa điểm tiến hành kiểm tra khám xét phương tiện là tại trụ sở Đội KSHQ đều thuộc địa bàn hoạt động của Hải quan. Trong 210kg gỗ xẻ nghi cẩm lai, đây là loài thực vật từ trước đến nay không sinh trưởng trên địa bàn Quảng Trị. Hạt này viện dẫn căn cứ Khoản 5, Điều 34 Nghị định số 35/2019 của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định “những người có thẩm quyền của lực lượng Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính...”. Do đó, Hạt sẽ không tiếp nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm vụ việc nói trên nhưng sẵn sàng cử cán bộ để phối hợp xác minh nguồn gốc lâm sản, xác định loài, số lượng, trọng lượng lâm sản là tang vật mà Đội KSHQ đang tạm giữ.

Trước diễn biến này, trong ngày 5-12-2019, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã báo cáo khẩn đến UBND tỉnh về vụ việc và vướng mắc thẩm quyền. Theo Cục Hải quan, chức năng nhiệm vụ của Hải quan là thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới. Trong trường hợp vụ thể đối với vụ việc trên, qua quá trình làm việc, lấy thông tin xác minh ban đầu thì ông Dư Hà khai nhận vận chuyển hàng hóa trong nội địa Việt Nam, không đủ căn cứ để xác định số động vật hoang dã này có nguồn gốc từ nước ngoài. Do vậy, việc quản lý đối với hàng hóa không có nguồn gốc nước ngoài, không thực hiện xuất nhập khẩu hay không đủ căn cứ xác định được vận chuyển trái phép qua biên giới sẽ không thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan Hải quan. Cục Hải quan đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo sớm xử lý vụ việc, nhằm không ảnh hưởng đến công tác cứu nạn đối với số động vật còn sống mà còn tiêu hủy đối với số thịt động vật tránh ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Đến ngày 6–12–2019, UBND tỉnh chỉ đạo giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan kiểm tra, xác minh nguồn gốc tang vật vi phạm và tổ chức quản lý, xử lý vụ việc theo đúng quy định. Khi chưa có thống nhất cuối cùng trong xử lý vụ việc thì nhiều cá thể động vật đã chết dần. Đến ngày 10-12-2019, đã có 8 cá thể Dúi và Hon chết do kiệt sức, một số khác tình trạng kém. Trước tình hình này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng trong việc tổ chức thả thú rừng đang bị tạm giữ về lại môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, thủ tục, hồ sơ trong việc bàn giao, tiếp nhận còn thiếu sẽ tiếp tục bổ sung...

BẢO HÀ