Được mùa ruốc nhưng... ít vui

Thứ tư, 24/08/2016 08:47

(Cadn.com.vn) - QUẢNG BÌNH - Gần 20 ngày qua, người dân vùng biển Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã khai thác được hàng chục tấn ruốc mỗi ngày. Tại bãi biển P. Quảng Thọ, mỗi ngày có hàng trăm người ra bờ biển để kéo ruốc. Ông Đoàn Long, 76 tuổi, tổ dân phố Thọ Đơn, P. Quảng Thọ, cho biết: ruốc xuất hiện từ khoảng tháng 4 đến tháng 8. Cứ mỗi lần như vậy, bà con ai cũng chuẩn bị dụng cụ để vào mùa. Năm nay, con ruốc vào dày hơn mọi năm.

Theo người dân nơi đây, mỗi ngày, một hộ gia đình có thể khai thác được khoảng 5 tạ ruốc, những năm trước khi chưa có sự cố môi trường biển, có thể bán được hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, mọi người cũng chỉ mới đưa ruốc về muối và làm thức ăn cho gia súc. Ông Long cho biết thêm: “Theo quan điểm của tôi, vừa rồi có tin nói rằng ruốc bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường biển nên mùa ruốc về mà không ai dám đánh bắt. Nhưng vừa rồi tôi nghe trên đài có nói, ruốc được một công ty ở Đà Nẵng xét nghiệm và cho phép sử dụng được nên hôm nay tôi mới đi. Từ sáng đến giờ, tôi khai thác được khoảng 5 tạ, nếu trước đây thì bán được khoảng 2,5 triệu đồng”. 

Kéo ruốc cả ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Nhụy, P. Quảng Thọ đã thu về gần 8 tạ ruốc. Gia đình chị Nhụy đưa ruốc khai thác được về làm mắm ruốc và phơi khô cho gia súc ăn. Chị Nhụy kể: Nhà tôi đã ăn ruốc từ mấy ngày trước. Khi có thông tin về việc ruốc đã được kiểm định và sử dụng được thì nhà tôi không còn lo sợ khi ăn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn e ngại mà chưa sử dụng. Đây là một nguồn lợi từ biển và thật đáng tiếc khi kéo về mà không dám ăn”. 

Trước đó, trong những ngày cuối tháng 7, người dân các xã Cảnh Dương, Quảng Tùng, Quảng Hưng của H. Quảng Trạch đã khai thác hàng chục tấn ruốc nhưng không tiêu thụ được. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã mang ruốc vào Đà Nẵng để giám định và cho kết quả đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm của kim loại nặng trong thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm của bà con cũng bị hạn chế tiêu thụ. 

Đức Thọ