Dưới đỉnh Ngọc Linh

Thứ hai, 11/03/2019 14:00

Trò chuyện với tôi, già làng Xê Đăng ở Nam Trà My (Quảng Nam) bảo, từ bao đời nay, ngọn núi Ngọc Linh như mái nhà che chở cho người Xê Đăng dưới những tán rừng già quanh sườn núi này. Những con người lam lũ nhưng hết lòng theo Đảng, theo cách mạng... Bước chân ngược dốc quanh năm, đã tạo nên hình dáng những  người hình như cả đời chỉ nhìn thấy đầu ngón chân mình! Cứ lầm lũi, chậm rãi như vậy cả trong những câu chuyện rủ rỉ, rù rì mà Già làng kể mỗi đêm bên bếp lửa, giữa màn sương lạnh giá trên sườn núi Ngọc Linh...

Trạm đón khách tại điểm du lịch vườn sâm Tắc Ngo, Trà Linh đang xây dựng. 

Nhưng người Xê Đăng ở Quảng Nam bây giờ đã khác, trên sườn núi Ngọc Linh bây giờ là những "phố núi" mà ô-tô đã lên tới tận nơi, gọn gàng trong những gara, biệt thự của chính người Xơ Đăng. Điện lưới sáng rực như sao khắp sườn núi, tiếng nhạc vang lên những bài ca cách mạng, giữa đêm sương lạnh, già làng vẫn kể chuyện, nhưng là câu chuyện về những ước mơ chưa bao giờ nghĩ tới, nay lại là sự thực.  4 năm trước, tôi theo đoàn công tác của UBND H. Nam Trà My do ông Hồ Quang Bửu-Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đi khảo sát núi Ngọc Linh. Thực sự lúc đầu tôi cũng không hiểu ông lại "nổi hứng" tìm cách leo lên tận đỉnh ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà của miền Nam có độ cao hơn 2.700 mét để nhằm mục đích gì? Ròng rã 3 ngày ngược dốc, lên được đỉnh núi rồi tôi mới hiểu, ông đang "manh nha" ý định biến ngọn núi này trở thành "núi vàng" cho người Xê Đăng, cho cả huyện Nam Trà My và trở thành địa danh có một không hai của cả nước. Người Xơ Đăng yêu quý những cánh rừng nguyên sinh, yêu quý những thửa ruộng bậc thang màu mỡ và còn có một thứ quý giá nữa là cây thuốc "dấu". Những năm 1970, khi Giáo sư, Dược sỹ Đỗ Tất Lợi, trong những chuyến đi tìm cây thuốc chữa bệnh cho bộ đội  trong những năm chống Mỹ đã phát hiện ra cây thuốc "dấu" của người Xơ Đăng chính là một loài sâm, và ông đã đặt tên cho cây thuốc dấu này là sâm Ngọc Linh...

Mục đích chuyến đi của ông Chủ tịch UBND H. Nam Trà My chính là muốn phát triển một vùng rộng lớn cây sâm Ngọc Linh này. Vào năm 2015, tại xã Trà Linh, Nam Trà My có hơn 100 hộ dân người Xơ Đăng có vườn sâm, với diện tích 65 ha,  người dân vẫn bảo tồn cây thuốc quý, và chỉ bán cho thương lái khi có việc cần, với giá vài  triệu đồng một kg sâm. Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và để bảo tồn nguồn giống cây sâm quý này phục vụ cho phát triển vùng sâm nguyên liệu, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng..., một đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã hình thành. Ông Hồ Quang Bửu tâm sự, đây là ước mơ của đồng bào Xơ Đăng trên sườn núi Ngọc Linh, và cũng là ước mơ của Đảng bộ, chính quyền H. Nam Trà My...Một hành lang pháp lý đã mở ra để cây sâm Ngọc Linh phát triển khi tháng 9-2015, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề án bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh; Bộ NN và PTNT chỉ đạo tỉnh Quảng Nam tập trung phát triển cây sâm Ngọc Linh; tháng 8-2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Tháng 6-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia, nhiều đề tài nghiên cứu, bảo tồn sâm Ngọc Linh được triển khai...UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành nhiều văn bản về chính sách, cơ chế ưu đãi đối với việc phát triển sâm Ngọc Linh, phê duyệt quy hoạch 15.000 ha vùng trồng sâm tại Nam Trà My, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, định hướng đến năm 2030. Từ nhiều nguồn vốn, hơn 1.200 hộ dân người Xơ Đăng, Ca Dong tại 7/10 xã  tại Nam Trà My đã được cho vay số vốn hơn 100 tỷ đồng để phát triển vùng quy hoạch sâm, Trại sâm giống Tắk Ngo, thôn 2, Trà Linh đã nâng diện tích lên 100 ha sâm giống.  Đã có 6 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trồng sâm Ngọc Linh gần 200 ha, 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy chế các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. UBND H. Nam Trà My đã hợp tác với quận Ham Yang, Hàn quốc, trao đổi học tập kinh nghiệm trồng sâm, quyết tâm đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thế giới. Huyện cũng đã xúc tiến với Canada, Mỹ, Nga những nước có sâm quý trên thế giới, để có quan hệ hợp tác chặt chẽ về  sâm.

Sau 3 năm triển khai đề án, nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt, người dân đã biết tận dụng tối đa diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm, biết sử dụng nguồn vốn vay để trồng sâm, nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng sâm, rừng nguyên sinh trên núi Ngọc Linh được chính người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Kể từ sau Lễ hội sâm núi Ngọc Linh được Bộ VH-TT&DL tổ chức thành công vào tháng 6-2017, tính đến nay đã có 17  phiên chợ sâm vào các ngày đầu tháng trong mỗi năm. Mỗi phiên chợ thu hút từ 7.000 đến 10.000 khách từ nhiều địa phương cả nước đến tham quan,  mua sâm và các sản phẩm về sâm Ngọc Linh. Giá mỗi kg sâm Ngọc Linh hiện từ 70 đến 120 triệu đồng, loại đặc biệt  đạt 150 đến trên 200 triệu đồng,  qua 17 phiên chợ, người dân trồng sâm ở Nam Trà My đã thu gần 200 tỷ đồng. Giá trị cây sâm Ngọc Linh được nâng lên tạo cho đồng bào vùng trồng sâm có đời sống ổn định, nhiều hộ nghèo vượt lên hộ khá, hộ giàu, chỉ tính sơ qua vùng núi Ngọc Linh đã có hàng chục hộ hiện sở hữu những vườn sâm trị giá hàng trăm tỷ đồng như ông Hồ Văn Du, Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Hình...ở xã Trà Linh.

Một ngôi làng mới trên sườn núi Ngọc Linh.

Ông Bửu cho biết, khó khăn nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện sinh hoạt... cho vùng quy hoạch sâm, nhưng bây giờ điều đó đã không còn lo ngại nữa. Trong năm 2018, huyện đã đầu tư xây dựng 35km đường giao thông đến từng thôn làng tại vùng bảo tồn sâm Ngọc Linh, với kinh phí 450 tỷ đồng,  huyện  quy hoạch một đề án phát triển du lịch ở vùng sâm, ngày 1-3-2019 vừa qua đã chính thức công bố điểm du lịch vườn sâm Tăk Ngo. Để tiếp tục công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh, huyện đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ đưa sâm Ngọc Linh vào chương trình giống Quốc gia. Đề nghị cần sớm triển khai xây dựng vườn bảo tồn và phát triển dược liệu Quốc gia tại Nam Trà My với diện tích 240 ha. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam dành khoảng 200 ha diện tích tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, với cơ chế ưu đãi để  các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất dược liệu tập trung, trong đó có sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tháng 3-2019, lần đầu tiên chúng tôi  được "cưỡi" xe máy vi vu khắp các thôn làng trên sườn núi Ngọc Linh, suốt từ Tắc Lang, Măng Lùng tới Tắc Ngo... nơi mà  cách đây chỉ một năm trước, phải mất cả tuần đi bộ vượt dốc. Nhưng bây giờ, chính người Xê Đăng ở đây đã "cưỡi" hẳn ô-tô đời mới lên tận nhà mình, những ngôi nhà khang trang trị giá hàng tỷ đồng thay cho những mái nhà tranh lúp xúp dưới tán rừng già hiu quạnh... Những làng Xê Đăng dưới bóng đỉnh Ngọc Linh đã thật sự đổi đời...

Hồng Thanh