Đường Điện Biên Phủ (TP Tam Kỳ, Quảng Nam): Chậm tiến độ vì vướng mắc kinh phí

Thứ năm, 14/11/2019 15:11

Cầu Trường Giang thi công cầm chừng vì giả ngân chậm.

Công trình đường Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ nối dài (do BQL  dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư) là trục ngang chiến lược qua TP Tam Kỳ, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng gồm cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, QL40B, QL1, đường 129 và một số tuyến nội thị. Đến nay, đoạn km0+000 - km6+309,8 đã đưa vào sử dụng. Một dự án khác nối dài từ đường Điện Biên Phủ vượt các đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Hoàng, đường sắt Bắc - Nam lên giáp QL40B cũng đã hoàn thành.

Cuối tháng 11-2018, phân đoạn km6+309,8 - km8+106,22 tiếp tục được khởi công bằng phần vốn kết dư (vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB). Thời gian thi công 11 tháng, tổng giá trị hợp đồng xây dựng gần 175 tỷ đồng. "Với cầu Trường Giang, nhà thầu đã lắp xong 8 nhịp và đang làm bản mặt cầu. Còn phần đường hoàn thành 70% khối lượng đất đắp K95, 50% khối lượng nền cấp phối đá dăm, gia cố chân khay và gia cố mái" - ông Nguyễn Bảo Trị, Trưởng phòng Quản lý dự án 3 cho biết.

Về nguồn vốn đầu tư, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh - ông Đặng Bá Dự thông tin, dự án vốn kết dư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 30-12-2017. Trong đó, phần vốn ODA do ADB tài trợ bao gồm ngân sách Trung ương cấp phát 50% và UBND tỉnh vay lại 50% (giải ngân đồng thời theo tỷ lệ tương ứng). Nguồn vốn ODA này sử dụng từ nguồn vốn kết dư đã được bố trí trong danh mục trung hạn của Dự án phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh và Đắk Lắk - Tiểu dự án phát triển TPTam Kỳ.

Đối với ngân sách Trung ương cấp phát 50%, Bộ KH-ĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội bổ sung danh mục và bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án vốn kết dư và đã được Quốc hội thống nhất chủ trương. Sau khi Bộ Tài chính đồng thuận, Bộ KH-ĐT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, cũng như giao, điều chỉnh kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài năm 2019 (Quảng Nam được bố trí cho dự án vốn kết dư với số tiền 82,207 tỷ đồng).

Đối với phần vốn ODA do UBND tỉnh vay lại 50%, trong kế hoạch năm 2019, tỉnh bố trí cho dự án đường Điện Biên Phủ, phân đoạn km6+309,8 - km8+106,22 với kinh phí 86,043 tỷ đồng.

Về thủ tục vay lại, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp tích cực với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính thẩm định vay lại. Nhưng theo chủ đầu tư, do vướng mắc chuyện trả nợ vay đối với một số dự án của tỉnh, nên thời gian qua ảnh hưởng đến việc thực hiện thẩm định thủ tục vay lại. Đến ngày 25-10, Sở Tài chính đã trả xong các khoản nợ vay lại này. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thẩm định phương án vay lại của dự án vốn kết dư nêu trên, dự kiến trong tháng 11-2019 sẽ xong.

Để đảm bảo triển khai dự án kịp thời gian kết thúc Hiệp định vay (tháng 1-2020), UBND tỉnh Quảng Nam đã quan tâm bố trí vốn ngân sách tỉnh cho dự án từ năm 2018 đến nay là 94,7 tỷ đồng. Trong đó, bố trí để giải phóng mặt bằng 13,7 tỷ đồng và thực hiện dự án là 81 tỷ đồng (năm 2018 là 31 tỷ đồng, năm 2019 tạm ứng 50 tỷ đồng). Đến nay, nguồn lực vừa nêu đã giải ngân hết.

Theo chủ đầu tư, lũy kế khối lượng thực hiện của công trình đến nay hơn 128,6 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm bố trí (kể cả tạm ứng) vốn ngân sách tỉnh, nhưng nợ khối lượng chưa thanh toán rất cao (khoảng 47,6 tỷ đồng). "Đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, bởi nếu chờ đến khi Trung ương hoàn tất thủ tục bố trí vốn ODA thì không thể thi công kịp hoàn thành công trình trước 31-1-2020, dẫn đến nguy cơ không giải ngân hết nguồn vốn ODA" - ông Đặng Bá Dự nói.

Trong khi đó, nhà thầu đang thi công cầm chừng vì nguồn tài chính doanh nghiệp tự bỏ ra làm trước là khá lớn. Theo ông Nguyễn Bảo Trị, nếu bố trí được kinh phí trả nợ, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kể cả làm ban đêm để phấn đấu thông xe trước Tết Nguyên đán 2020.

Theo QNO

Công trình đường Điện Biên Phủ, phân đoạn km6+309,8 - km8+106,22 có tổng mức đầu tư gần 219 tỷ đồng. Quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang đường 12m (mặt đường rộng 7m, lề mỗi bên rộng 2,5m). Cầu Trường Giang dài 330,36m; mặt cắt ngang rộng 16m; trong đó phần xe chạy rộng 15m và gờ lan can mỗi bên chiếm 0,5m.