Đường Trường Sơn ngày ấy, bây giờ (Bài 4: Sân bay A So trên cung đường huyền thoại)

Thứ hai, 20/05/2019 13:41

Ở chiến trường Trị Thiên, sân bay A So thuộc xã Đông Sơn (H. A Lưới, TT-Huế) là một cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ Ngụy nằm trên đường Trường Sơn huyền thoại nhằm ngăn chặn sự tiếp tế, chi viện của ta vào chiến trường miền Nam. Sân bay A So trở thành địa điểm ghi dấu những chiến công bất khuất của quân dân ta cũng như sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học. Địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So, xã Đông Sơn được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2013.

 Bà Hồ Thị Hình (phải) và người đồng đội nhớ về trận đánh sân bay A So.

Nỗi đau A So

Từ những năm 1960, sân bay A So được Mỹ xây dựng nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn và ngăn chặn sự chi viện miền Bắc vào Nam. Tuy nhiên, trước thời cơ thuận lợi trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng đồn A Sầu, sân bay A So. Cả một vùng rộng lớn phía Nam H. A Lưới được giải phóng. Chiến thắng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh.

Tham gia chiến dịch giải phóng sân bay A So không thể không nhắc đến những du kích ở tuổi mười tám, đôi mươi ở vùng đất cách mạng A Lưới. Bà Hồ Thị Hình (77 tuổi, trú xã Hương Lâm, H. A Lưới), một trong những người tham gia giải phóng A So nhớ lại: năm 1960, lúc đó bà mới 18 tuổi và bắt đầu thoát ly tham gia vào dân quân du kích xã Hương Lâm. Trước khi chiến dịch giải phóng A So diễn ra, cô gái Hình và một số đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường và đào giao thông hào áp sát vào khu vực sân bay A So phục vụ cho việc tấn công. Từ năm 1960 đến 1965, bà Hình và đồng đội nhiều lần chạm trán với quân Mỹ- Ngụy, đặc biệt là trận chiến trên đồi Tri Vau. Trong trận chiến này, quân ta đã tiêu diệt nhiều tên địch. “Tháng 2-1962, địch càn quét và bắt được mẹ của tôi là Căn Prích cùng hai chị gái là Hồ Thị Hạnh, Hồ Thị Trê. Để thị uy, địch đã mổ bụng, cắt tai đối với mẹ và hai chị gái. Kể từ đó, quyết tâm giết giặc càng sôi sục trong lòng tôi và anh em đồng đội”, bà Hình đau xót nhớ lại.

Trực tiếp tham gia vào trận đánh giải phóng căn cứ A So, ông Hồ Văn Hạng (71 tuổi) ở thôn A So, xã Hương Lâm nhớ lại: “Mặc dù rơi nước mắt khi chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, nhưng anh em lúc đó đều bảo nhau lấy đó làm động lực chiến đấu quyết tâm giải phóng A So. Và trong hơn 1 tuần liên tục chiến đấu, giành giật với địch, du kích địa phương chúng tôi cùng với bộ đội Sư đoàn 325 đã giải phóng được căn cứ A So”. Trong cuộc chiến giải phóng A So, có hàng ngàn du kích ở H.A Lưới tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ hậu phương.

Rất nhiều nhà cửa khang trang mọc lên ở xã Đông Sơn- nơi từng được biết đến là “thung lũng da cam”.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Trị Thiên, từ tháng 8-1965 đến tháng 12-1970, Mỹ tái chiếm sân bay A So bằng cách thực hiện 270 phi vụ rải chất độc hóa học (chủ yếu là chất trắng và da cam), trong đó, khu vực ở sân bay A So là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Hiện, có 4.200 người tại A Lưới bị nhiễm chất độc da cam từ trong và sau chiến tranh. Trước mức độ tồn đọng quá lớn của chất độc dioxin trên vùng đất Đông Sơn, các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu UB 10.80 của Canada từng đến lấy mẫu kiểm tra và cảnh báo rằng: “Không được sống, canh tác và không được nuôi bất cứ con gì, trồng cây gì ở “rốn da cam” Đông Sơn; bởi tất cả mọi thứ từ đất, nước, cây cối... đều có nồng độ dioxin cao hơn 26 lần mức cho phép”. Thế nhưng, bằng nghị lực và lòng quyết tâm, người dân xã Đông Sơn đã từng bước vực dậy.

Dẫn chúng tôi ra khu vực sân bay A So, điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2013, ông A Viết Minh- Chủ tịch UBND X. Đông Sơn cho biết, để bảo vệ tính mạng người dân, năm 2011, chính quyền địa phương lại tổ chức một cuộc di dân nữa để đưa bà con sang vùng đất mới sinh sống an toàn hơn. Cũng nhờ cuộc di dân lần ấy mà bà con đã định cư và sinh sống ổn định trên vùng đất mới này cho đến nay. Sau khi đến nơi ở mới cách sân bay A So khoảng 1 cây số, trên 300 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã được lãnh đạo xã Đông Sơn bố trí sinh sống tại các thôn như: Loa, Ta Vai, Tru, Ân Sam...

Nhờ sự đoàn kết một lòng và sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cùng chính quyền các cấp nên người dân Đông Sơn đã tập trung sản xuất, phát triển kinh tế. “Hiện, hơn 300 hộ dân các đồng bào dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi đã sản xuất trên 100 ha lúa nước, trồng hơn 500ha rừng kinh tế và chăn nuôi hàng ngàn con trâu, bò và dê”, ông A Viết Minh thông tin. Cũng theo ông A Viết Minh, để giúp bà con tăng gia sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ chế xóa đói giảm nghèo, năm 2005, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 còn tiến hành đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Đông Sơn 3 công trình thủy lợi trị giá 5 tỷ đồng. Cán bộ chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 đã xây dựng các mô hình sản xuất thử nghiệm như trồng lúa nước, trồng rừng, ngô cao sản và chăn nuôi gà đồi rồi hướng dẫn, giúp bà con làm theo và đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, với mong muốn giảm sự tác hại của chất độc dioxin đến cuộc sống của người dân Đông Sơn nên Trung tâm Phát triển tự nhiên và Bảo tồn cộng đồng, thuộc Hội KHKT&LN Việt Nam đã tiến hành vận động trồng hàng ngàn cây giống bồ kết ngay trên sân bay A So. Đến nay, số cây này đã được người dân nhân rộng, trồng trên diện tích 10ha với hàng vạn cây. Nhìn những thửa đất lồi lõm ngày nào giờ đã thành những ruộng lúa nước, những cánh rừng keo phủ xanh các ngọn đồi trọc, con đường bê tông về đến tận thôn xóm, nhiều ngôi nhà khang trang, bề thế “mọc lên” ở xã biên giới Đông Sơn đã thể hiện sự hồi sinh kỳ diệu ở vùng “đất chết” nơi đây.

(còn nữa) HẢI LAN