Ế ẩm trái cây bán dạo
(Cadn.com.vn) - Nghề bán trái cây dạo có mặt khắp TP Đà Nẵng. Chỉ cần một chiếc xe đẩy được thiết kế đơn giản là các tiểu thương có thể rong ruổi khắp phố phường. Chị Trương Thị Lượng (50 tuổi) là người ở TT- Huế, theo đà làm ăn vào Đà Nẵng bám nghề bán trái cây dạo. Chị bảo: “Đúng là khổ như bán trái cây vào mùa mưa. Ế ẩm quá, thấy đơn giản thế này thôi chứ lỗ vốn hoài, ít người trụ lại được với cái nghề này lắm, may mắn mới có vài người dư dả với nghề này”.
Là người ngoại tỉnh nên vợ chồng chị Lượng cùng gia đình phải thuê một phòng trọ làm nơi cư ngụ cùng 3 đứa con đang tuổi ăn học. Theo chị Lượng, do không có nghề nghiệp ổn định, vả lại tuổi tác cũng đã cao tay chân không còn nhanh nhẹn nên rất khó kiếm được việc làm tại các khu công nghiệp, nhà máy, phân xưởng... chị đành chọn cái nghề bám mặt đường nhựa mà sống.
Một xe chất đầy trái cây có giá từ 3 - 4 triệu đồng, cách duy nhất để có nguồn hàng phong phú là vài chị em chung nhau số tiền vốn rồi mua nhiều loại trái cây để đổi qua về với nhau. Nếu kinh doanh một loại trái cây thì thua lỗ là cái chắc.
Hàng trái cây vắng khách của chị Lượng trong những ngày mưa. |
Chị Lượng không khỏi buồn chán vì mùa này Đà thành mưa như trút nước. Mặt hàng trái cây chỉ đắt đỏ khi thời tiết nóng nực, hanh khô, còn mùa mưa người mua giảm hẳn. Chị phân trần: “Mưa gió thế này thì ế ẩm là chắc rồi, trái cây nó cũng nhanh hư hỏng nữa. Chúng tôi bán cũng gần chục năm rồi nên cũng biết mà định lượng trái cây, chủng loại nào. Còn những người mới vào nghề thì vơ cả tá trái cây về, vài lần như thế là hụt vốn luôn. Thấy bán chơi chơi vậy thôi chứ ai cũng nợ chủ trái cây cả mớ tiền đó, người ít thì vài triệu, người nhiều thì trên chục triệu đồng. Mà bây giờ không đi bán thì không được, nếu nghỉ thẳng thì chủ nó sẽ đòi trả bằng được cho hết số tiền mình nợ, mà bán mua thế này thì làm sao trả được”.
Anh Nguyễn Thành Luân (32 tuổi), quê Quảng Ngãi cùng với vợ ngược ra Đà Nẵng làm nghề bán trái cây dạo. Mùa nào thì bán loại đó, anh Luân chỉ bán độc nhất vô nhị một loại, không lẫn lộn, xen kẽ. Anh bảo: “Tôi làm nghề này cũng được 5 năm rồi. Ở quê đất cát ít, xong mùa rồi thì nông nhàn, đi như thế này có đồng ra đồng vào gửi về quê nuôi lũ con ăn học. Vài tháng trước khi trời nắng non, hai vợ chồng đi bán bằng xe gắn máy cũng kiếm được trên 200 nghìn đồng tiền lời. Giờ mưa gió cả ngày, giỏi lắm cũng được năm bảy chục nghìn đồng. Hai vợ chồng đang định bán hết số trái cây trên xe thì về quê kiếm việc khác, chứ ở đây thuê trọ, ăn uống bon chen cũng không đủ sống, lấy gì mà gửi về nhà nuôi con trẻ”.
Đầu tư hẳn xe bán tải nhưng anh Lên vẫn kêu ca ế ẩm vì mưa không ngớt ở Đà thành. |
Không bán hàng bằng xe đẩy, xe máy, anh Nguyễn Văn Lên (30 tuổi) đầu tư hẳn chiếc xe bán tải 3,5 tấn để đi bán hàng trái cây. Hai mặt hàng chủ yếu trên chiếc xe của anh chính là sầu riêng hay mít. Những tháng này anh Lên lấy mít từ Đắc Lắc với giá 20 nghìn đồng/kg và bán với giá 25 nghìn đồng/kg. Anh kể: “Công việc này tôi đã làm được 20 năm rồi, từ lúc 10 tuổi tôi đã theo mẹ tập tành bán buôn trái cây. Riết dần cũng quen, bây giờ thành cái nghiệp rồi. Thời gian qua cũng dành dụm được chút đỉnh nên mua lại được chiếc bán tải này. Có xe cộ mình dễ làm ăn hơn, chở đi bán quanh phố phường à”.
Cùng số phận với những người bán trái cây dạo khác, anh Lên than trời than đất vì mùa này hễ nứt mắt ra là mưa. Mà đã mưa là mưa dầm dề không chịu tạnh, nên lượng khách giảm một cách rõ rệt. Trời nắng mỗi ngày anh kiếm được hơn 300 nghìn đồng, nhưng bây giờ chỉ còn một nửa. Anh Lên so sánh mình với những chủ hàng khác: “Cũng may vì mình có xe cộ đường hoàng, nên trái cây nó không bị hư hỏng, thấm nước mưa, người mua họ cũng không ngại. Chứ như mấy chị em đẩy cái xe hàng đó thì lỗ vốn. Dân trong nghề mình biết chứ”.
Những người bán trái cây dạo có nhiều nỗi lo sợ, đang bán buôn giữa lòng lề đường mà gặp cơ quan chức năng, trật tự đô thị thì đẩy xe như bay để tránh. Nhưng cái mà dân bán trái cây rong ruổi sợ nhất chính là những hạt mưa không ngớt ở Đà thành. Nhưng những ngày qua...
Bùi Đức Tú