"Ê-kíp" làm văn bằng, giấy tờ giả lớn nhất Đà Nẵng bị tuyên 216 tháng tù
(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng từng đăng loạt bài về đường dây làm văn bằng, giấy tờ giả do Đặng Tuấn Anh (1956, trú xã Điện Ngọc, H. Điện Bàn, Quảng Nam) cầm đầu đã bị cơ quan ANĐT- CATP Đà Nẵng khám phá vào cuối năm 2012. Đây được xem là "lò" sản xuất văn bằng, giấy tờ giả lớn nhất từ trước tới nay tại TP Đà Nẵng và có phạm vi hoạt động rộng, tồn tại trong một thời gian dài. Cuối tháng 7-2013, TAND Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) đã xét xử công khai vụ án hình sự Đặng Tuấn Anh cùng đồng bọn phạm tội "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của VKSND Q. Thanh Khê: Qua quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, lúc 9 giờ ngày 1-12-2012, tại số 42-Phan Thanh (Đà Nẵng), cơ quan ANĐT- CATP Đà Nẵng bắt quả tang Đặng Tuấn Anh và Nguyễn Xuân Hoàng (1958, trú P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) giao nhận văn bằng, chứng chỉ giả. Mở rộng điều tra, các đối tượng khai: Khoảng năm 2004, Trần Ngọc Anh (tức Trần Văn Thành, 1952, trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tìm gặp Tuấn Anh để đặt in giả các loại phôi giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ. Thời gian đầu, Ngọc Anh "đặt hàng" các loại phôi bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, THPT cùng một số loại chứng chỉ thông dụng và trả cho Tuấn Anh từ 20- 600 nghìn đồng tùy theo loại. Sau khi in phôi xong, Ngọc Anh hoàn thành các công đoạn còn lại như viết thông tin, làm dấu giả, chữ ký giả của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và giao lại cho những người đặt mua.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. |
Thấy việc làm này quá dễ dàng, thu lợi bất chính cao nên ngoài làm việc chung với Ngọc Anh, Tuấn Anh còn tự đi tìm mối để đánh quả lẻ. Để làm giả các loại bằng, phôi bằng, Tuấn Anh đã móc nối với Nguyễn Hằng Minh (1978, trú P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê) sử dụng kỹ thuật vi tính để tạo mẫu phôi, con dấu của các trường, Sở, Bộ GD&ĐT và mẫu tem chống giả để sử dụng mỗi khi có người đặt hàng. Về phần mình, Tuấn Anh sử dụng 10 khung in lụa chứa các loại mẫu dấu, chữ ký; 3 bộ dấu nổi kim loại mua của Nguyễn Hằng Minh cùng máy ép plastic, máy sấy tóc, giấy đề-can làm tem chống giả.
Theo điều tra của cơ quan CA, từ năm 2004 đến ngày bị bắt, Tuấn Anh đã tham gia làm giả 21 bằng, chứng chỉ với số tiền giao dịch là 97,9 triệu đồng; Nguyễn Hằng Minh tham gia làm giả 22 loại giấy tờ, 3 con dấu với số tiền 98,4 triệu đồng; Trần Ngọc Anh tham gia trong 7 văn bằng, chứng chỉ với số tiền 53,8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Đặng Tuấn Anh, Trần Ngọc Anh và Nguyễn Hằng Minh đã thông qua các đối tượng khác là Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Thị Ngọc Dung (1969, trú P. Bình Hiên, Q. Hải Châu), Trần Vinh Thủy (1961, trú P. Nam Dương, Q. Hải Châu), Đoàn Sỹ Nguyên (1982, trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà), Vương Hòa Bình (1974, trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà), Trương Quang Đình Dũng (1975, trú P. Thạch Thang, Q. Hải Châu) và Bùi Tấn Phát (1983, trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) hình thành đường dây để tìm kiếm những người có nhu cầu sử dụng văn bằng, giấy tờ giả để xin việc làm. Trong nhóm đối tượng này, Hoàng tham gia làm giả 4 loại giấy tờ với giá trị 30,8 triệu đồng; Dung tham gia làm 15 loại giấy tờ với giá trị 14,1 triệu đồng; Nguyên tham gia làm giả 5 loại giấy tờ (44 triệu đồng); Thủy tham gia 10 loại giấy tờ, 11 con dấu (10 triệu đồng); Dũng (4 loại giấy tờ, 11,1 triệu đồng); Bình (4 văn bằng, 30,8 triệu đồng); Phát (4 văn bằng, 23,8 triệu đồng).
Văn bằng, giấy tờ được làm giả bị cơ quan CA thu giữ. |
CQĐT đã thu giữ, làm rõ được 27 văn bằng, chứng chỉ giả của các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, các cơ quan Nhà nước và một Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (giả).
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố của VKSND Q. Thanh Khê và ăn năn, hối cải về những việc mình đã làm. Trong phần luận tội, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo về tội "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức" là có sơ sở.
Theo HĐXX, các bị cáo đều là những người có sức khỏe, có trình độ học vấn, có khả năng điều khiển nhận thức, hành động của mình nhưng vì để có tiền tiêu xài đã câu kết với nhau thực hiện hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hành vi này nghiêm trọng, kéo dài, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính và hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây nguy hại cho xã hội.
Áp dụng Điều 267, Điều 46 Bộ luật Hình sự, HĐXX tuyên phạt Đặng Tuấn Anh 36 tháng tù (phạt bổ sung 10 triệu đồng); Nguyễn Hằng Minh 30 tháng tù; Trần Ngọc Anh 24 tháng tù. Trong khi đó, với tiền án 24 tháng tù cùng tội danh "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", chưa xóa án tích, Cao Thị Ngọc Dung bị tòa tuyên phạt 36 tháng tù; bị cáo Trần Vinh Thủy 24 tháng tù; Nguyễn Xuân Hoàng 12 tháng tù; Đoàn Sỹ Nguyên 18 tháng tù, cho hưởng án treo. Trương Quang Đình Dũng, Vương Hòa Bình và Bùi Tấn Phát cùng bị tuyên mức 12 tháng tù, cho hưởng án treo. Các bị cáo đều phải chịu mức hình phạt bổ sung với mức từ 5-10 triệu đồng. Tòa cũng truy thu, sung công quỹ Nhà nước số tiền thu lợi bất chính đối với các bị cáo.
Bài, ảnh: Đông A