“Ếch” ở quê

Thứ sáu, 19/09/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Đó là những phụ nữ quanh năm sống tảo tần ở vùng nông thôn, trước đây họ cũng đã có một cuộc sống gia đình hạnh phúc bên chồng và con. Thế mà tai họa từ đâu ập đến, phá tan cái gia đình nhỏ bé và ấm êm ấy...

Vì lỗi của người chồng
mà người vợ này phải ôm con vò võ. Ảnh: S.T  

Đó là những trai làng vạm vỡ, hăm hở vào Nam với ước vọng đổi đời, song trên bước đường mưu sinh, do lối sống buông thả, họ đã gục ngã và trở thành những kẻ thân tàn ma dại. Và, đó là những em bé miệng còn hơi sữa ngay khi sinh ra đã nhiễm căn bệnh khủng khiếp từ cha mẹ mình truyền lại, để rồi hiện đang sống bơ vơ trên cõi đời này... Tất cả những cảnh đời ấy đã tạo nên hồi chuông báo động, một tiếng kêu thương của “cơn bão ếch” tàn phá vùng quê ở H. Hòa Vang, Đà Nẵng...

Vùng quê không bình yên

Tôi quan tâm đến tình hình gia tăng người mắc HIV/AIDS tại Hòa Vang, Đà Nẵng vì lẽ đây là một trong những địa phương có người mắc bệnh này khá muộn so với lúc còn là tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Đã có thời Hòa Vang là một trong những nơi “miễn dịch” trước vấn nạn HIV trong khi tình trạng này liêp tiếp gia tăng ở các địa phương khác. Thế mà nay, qua tiếp xúc, tìm hiểu tôi không khỏi bàng hoàng trước sự hoành hành của căn bệnh thế kỷ tại đây, kể cả những vùng “thâm sơn cùng cốc” và thân phận của những “ếch quê” đầy bất hạnh.

Một người bạn của tôi tại Hòa Bắc kể rằng: “Cách đây ít năm, một đôi vợ chồng nọ trú tại xã tôi, anh chồng làm công nhân đường dây tải điện, vợ ở nhà. Không biết làm ăn thế nào mà sau đó người chồng nhiễm HIV rồi lây cho vợ, được ít lâu thì chồng chết, chị vợ sống thêm được một thời gian thì cũng qua đời, người dân ở đây mỗi khi nhắc đến chuyện này đều tiếc thương người vợ ấy vô cùng vì chị đã chết bởi lỗi lầm của người chồng!”. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nhiễm HIV tại Hòa Vang, tôi nhận ra rằng, đa số người bệnh là nam, mắc bệnh không phải do hút hít heroin mà do từ... mại dâm. Nhiều người đi làm ăn xa, “vui vẻ” với gái mại dâm, nhiễm bệnh rồi lây truyền cho vợ, con.

Thậm chí, có người đã bị nhiễm HIV trong mình mà không biết. Một anh bạn khác ở Hòa Khương kể rằng: “Có một thanh niên ở đây quyết đi vào TPHCM để tìm kế sinh cơ lập nghiệp, nhưng chẳng bao lâu thì quay về lại địa phương. Một đêm nọ, muốn có mồi nhậu, anh đã đi bắt trộm chó với đồng bọn không ngờ bị tai nạn và khi được đưa vào bệnh viện mới biết mình đã mang trong người virus HIV”. Một trường hợp khác ở xã Hòa Châu, cũng trong tình cảnh tương tự như vậy, người chồng đi làm ăn trong TPHCM, quan hệ thế nào mà khi về đã lây truyền bệnh sang cho vợ. Mặc cảm về tội lỗi, anh đã nhảy sông tự vẫn, để lại người vợ với đứa con sắp chào đời.

Tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang ngày một phổ biến ở các miền quê và nó đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những ông chồng có máu trăng hoa. Còn nhớ cách đây không lâu, trên địa bàn các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Phước có tin đồn (không có căn cứ) rằng một cô gái bị nhiễm HIV đã “truyền thần chết” cho hàng chục anh hám “của lạ mà miễn phí” đã làm lắm anh hoang mang, đứng ngồi không yên!

Quyền lợi và nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS đã được quy định thành luật
(Trong ảnh là những bệnh nhân tại một trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS). Ảnh: S.T 

Những nỗi đau còn lại

Cách đây chưa lâu, báo chí từng đưa tin về bé gái ở một xã thuộc H. Hòa Vang nhiễm HIV bị bạn bè xa lánh, việc đến trường của cháu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tìm hiểu sự cơ cực của bé mới hay em đáng được quan tâm, chia sẻ: bố bị nhiễm bệnh lây cho mẹ rồi chết, mẹ sinh ra em được một thời gian thì cũng qua đời, em trở nên bơ vơ trên đời với ông bà ngoại. Cuộc sống của một bệnh nhân HIV/AIDS là một cực hình đau đớn nhất, song với “ếch ở quê” thì còn đau xót biết chừng nào, vì họ thiếu thốn mọi bề. Trong tư tưởng họ luôn thường trực cái chết cận kề, vì thế họ suy nghĩ rất tiêu cực. Tôi đã cố nén những cảm xúc của mình khi nghe chị L.T.B.T - một người nhiễm HIV ở xã Hòa Tiến kể về nỗi đau buồn và tủi nhục của mình. Xuyên suốt câu chuyện của chị là dòng nước mắt lăn dài trên má, chị kể: “Vì cuộc sống khó khăn nên chồng tôi phải bôn ba vào tận miền Nam để kiếm sống và kể từ đó cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng bỗng một ngày ảnh thông báo mình đã nhiễm HIV khiến mọi thứ trước mắt tôi như đổ sập. Vậy là mọi công sức để gây dựng một gia đình hạnh phúc của chúng tôi đều đổ sông đổ biển!”.

Những người phụ nữ bị nhiễm HIV ở các vùng nông thôn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh và kiếm sống cho gia đình. Mặc dù gần đây xã hội đã có cái nhìn đúng đắn hơn về những người nhiễm HIV, nhưng tại các vùng nông thôn, tư tưởng phân biệt vẫn còn rất nặng nề, đó là những nỗi khổ tâm mà những bệnh nhân tôi được gặp tại Hòa Vang phải trải qua. Đã có trường hợp con của một người nhiễm HIV không được đi học chỉ vì phụ huynh của các em khác không muốn con mình học chung lớp với đứa trẻ có mẹ bị nhiễm HIV. Chị T. đã khóc nức nở khi nói về hai đứa con của mình: “Chừ tôi chết cũng được nhưng nghĩ đến hai đứa con của mình không còn cha mẹ thì không biết nó sống như thế nào. Cái ăn bây giờ cũng không đủ, đôi lúc muốn làm gì đó để kiếm tiền cho các con được ăn ngon một bữa cũng không được, vì sức khỏe yếu quá. Tiền thuốc cho tôi hằng tháng cũng đã hơn 1 triệu đồng rồi, không biết sau này sẽ ra sao”. Lời than ai oán này là một tiếng nói thống thiết, chân thành của nhiều bệnh nhân HIV/AIDS tại Hòa Vang mà tôi gặp khi thực hiện phóng sự này, dẫu họ là những người tự mình rước bệnh vào thân hay bị người thân mang họa đến!

Theo những thống kê gần đây của Sở Y tế TP Đà Nẵng, hằng năm số lượng người nhiễm HIV trên địa bàn đều tăng và đặc biệt HIV đang có chiều hướng lây lan nhanh ở địa bàn nông thôn. Chỉ riêng trên địa bàn H. Hòa Vang thì xã nào cũng có người nhiễm HIV, kể cả vùng sâu, vùng xa như xã Hòa Bắc. Và độ tuổi nhiễm HIV cũng ngày càng trẻ hóa, nếu trước đây độ tuổi người nhiễm chỉ tập trung trong nhóm 40-49 thì nay chuyển dần sang độ tuổi từ 20-39. Anh Nguyễn Ngọc Tửu - Đội trưởng Đội Y tế Dự phòng H. Hòa Vang cho biết thêm: “Việc lây lan HIV trên địa bàn Hòa Vang trong thời gian gần đây phần lớn là do những ông chồng đi làm ăn xa, mang mầm bệnh trong người mà không biết rồi vô tình truyền  qua cho vợ con. Từ đây đã nảy sinh những hệ lụy hết sức đau lòng!”. Khi viết bài này tôi cứ nhớ mãi câu nói của một bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối tại Hòa Vang: “Anh ạ, nếu được làm lại từ đầu, tôi thề sẽ không bao giờ dính đến 2 thứ: ma túy và mại dâm!”.

Lưu Hoàng Anh