Eddie Mabo - Người thay đổi lịch sử Australia

Thứ sáu, 08/06/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong tuần này, người bản địa Australia tập trung tại Townsville, bang Queensland kỷ niệm 20 năm chiến thắng mang tính bước ngoặt đối với quyền sở hữu đất đai của mình sau hơn 200 năm bị người da trắng xâm lược. Đó là vào ngày 3-6-1992, Tòa án Tối cao Australia phán quyết phần thắng thuộc về các thổ dân. Chiến thắng này phần lớn nhờ vào công lao của một người dân bản địa tên là Eddie Mabo.

Quy định “Terra nullius”

Eddie Mabo là ai, tại sao ông lại gánh vác một công việc được xem là vô vọng và phong trào đã mang lại những ích lợi gì? “Rất đơn giản, Eddie Mabo đã giúp kết thúc với một lời nói dối kéo dài hai thế kỷ”, Rachel Perkins, đạo diễn bộ phim “Mabo” được sản xuất nhân dịp kỷ niệm 20 năm chiến thắng lịch sử của Tòa án tối cao Australia, cho biết.

“Trong 200 năm, người Anh và sau đó là người Australia da trắng ảo tưởng khi cho rằng người bản địa Australia không tồn tại hoặc không có quyền sở hữu đất đai trước khi những người di cư đầu tiên đến đây vào năm 1788”.  “Sai lầm” mà ông Perkins đang đề cập chính là quy định “Terra nullius” -  đất đai không thuộc về một ai cả. Khái niệm này được những người đầu tiên đến đây định cư sử dụng một cách hiệu quả và bất chấp đạo lý để chiếm đoạt tất cả của người bản xứ.

Luật pháp Anh thời đó quy định, những thổ dân có quyền sở hữu đất đai của họ, song những người định cư đầu tiên coi thường trắng trợn những quy định này. Vì lợi ích, họ đã phớt lờ tất cả những điều đó và giữ vững quan điểm rằng, người bản địa là những người nguyên thủy, vô tổ chức, không có bản sắc văn hóa riêng nên không xứng đáng có quyền sở hữu đất đai. Tất nhiên, những quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, nhưng “Terra nullius” vẫn hình thành và tồn tại bền vững trong 200 năm, mặc dù người bản địa Australia đã ở đó ít nhất 40.000 năm.

Các thẩm phán gọi chính sách này là “một khía cạnh tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước” và  là “một sự xấu hổ không thể tả được”.

Eddie Mabo đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của người bản địa Australia.
Ảnh: BBC 

Đấu tranh hết mình...

Tình trạng này có thể sẽ không bao giờ thay đổi nếu không có Eddie Mabo. Mabo sinh năm 1936 tại Torres Strait, đảo Murray Island, ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Australia. Mabo bắt đầu cuộc sống như nhiều người bản địa khác, những người bị tước đoạt nền giáo dục, bị từ chối đi lại trên các xe buýt, đến rạp chiếu phim, thậm chí là cả nhà vệ sinh chỉ dành cho người da trắng. Đây là nạn phân biệt chủng tộc ở Australia, chứ không phải ở Nam Phi. Ông lập gia đình với Bonita, có với nhau 10 đứa con trong 30 năm sinh sống.

Mabo làm rất nhiều công việc trên đảo chính Australia, có thời làm công nhân đường sắt. Trong thời gian làm vườn tại Đại học James Cook ở Townsville, Queensland, ông nhận ra sự bất công mà người dân bản địa phải chịu đựng. Và cũng giống như rất nhiều người bản địa khác, ông cũng là một nạn nhân của “Terra nullius”. Tuy nhiên, không giống như họ, Mabo không chấp nhận điều đó. Ở tuổi 31, Mabo quyết định dành cuộc sống của mình để đòi lại công bằng. Mabo trở thành một nhà hoạt động cho quyền lợi của thổ dân. Ông cùng với người dân cộng đồng mình đảm bảo rằng, mọi trẻ em thổ dân đều được đến trường. Ông cũng hợp tác với các thành viên của đảng Cộng sản, đảng chính trị duy nhất của người da trắng ủng hộ những phong trào giành lại đất của thổ dân vào thời điểm đó. Ông phản đối chiến thuật hành động quân sự trực tiếp mà cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là hủy bỏ tính hợp pháp của hành động “ăn cướp đất” của những người da trắng đến định cư. Ông kiến nghị, vận động bãi bỏ “Terra nullius” trong 18 năm.

Cuối cùng, vào tháng 6-1992, sau nhiều năm đấu tranh bền bỉ, điều này trở thành hiện thực. Các thẩm phán tại Tòa án Tối cao Australia phán quyết rằng, người bản địa Australia có quyền sở hữu hợp pháp đất đai của họ. Các thẩm phán cũng tuyên bố, thổ dân là những người đầu tiên tại Australia, có một nền văn hóa phong phú, lâu đời và có những chứng cứ rõ ràng về việc sở hữu đất, phân giới cắm mốc, thừa kế, ủng hộ cho các tuyên bố của họ về lịch sử. Tuy nhiên, Mabo không có cơ hội để chứng kiến giờ phút lịch sử đó. Ông mất 5 tháng trước đó do ung thư vào tháng 1-1992, ở tuổi 55. Cuối năm 1992, Mabo được truy tặng Huân chương Nhân Quyền Australia. Năm 2008, một thư viện tại Đại học James Cook được đặt theo tên ông.

... nhưng có công bằng thực sự?

Tuy nhiên, 20 năm sau phán xét của tòa án, nhiều tranh cãi vẫn xảy ra giữa các nhà lập pháp, các luật sư và các chính trị gia về những gì mà ông Mabo giành được cho người bản địa Australia.

Chẳng hạn như, người da trắng Australia  không bị buộc phải trả lại nhà, các doanh nghiệp, hầm mỏ hoặc trang trại. Trong khi đó, các thẩm phán cũng không có ý định đòi lại công bằng cho các thổ dân. Họ cho rằng, những gì ông Mabo đòi hỏi không thách thức tính hợp pháp về quyền sử dụng đất không phải của thổ dân. Chỉ có những đất công, công viên quốc gia và một số đất cho thuê, mới được tuyên bố thuộc sở hữu của người bản địa. Vì vậy, thật ra chiến thắng của người bản địa Australia mang tính tượng trưng hơn là thực tế. Nếu Eddie Mabo còn sống đến ngày hôm nay, ông sẽ  rất giận dữ”, Les Malezer, Chủ tịch của Quỹ Nghiên cứu Hành động vì người bản địa cho biết.

Tính đến tháng 4-2010, 84 trường hợp liên quan và 854.000 km2 đã được tòa án phán quyết với phần thắng thuộc về người bản địa. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm 11% diện tích đất đai rộng lớn của Australia. Tại bang New South Wales, bang đông dân nhất Australia, thổ dân chỉ sở hữu 0,1% diện tích đất.

An Bình

(Theo BBC)