Em đã thấy mùa xuân chưa ? (*)

Thứ ba, 23/01/2018 09:33

Có những khúc xuân ca, khi hát lên, chúng ta lại nôn nao nhớ về kỷ niệm của  ngày Tết xưa cũ. Thế nhưng, "Em đã thấy mùa xuân chưa" lại đem đến cho chúng ta một giai điệu hoàn toàn khác, nỗi nhớ xa xăm, bâng khuâng, đầy hoài niệm khi bóng xuân đã về đến bên thềm. Quốc Dũng viết nhạc giỏi, chọn cho mình một lối đi riêng biệt, không lẫn vào đâu được của trào lưu âm nhạc đương thời, người được cho là một trong những nhạc sĩ gầy dựng nên dòng nhạc trẻ vào đầu thập niên 70.

Nhạc sĩ Quốc Dũng.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan. Quê nội ông ở Nghệ An nhưng vì mưu sinh, gia đình ông lưu lạc qua Lào, rồi sinh sống ở Thái Lan. Lên 3 tuổi, Quốc Dũng theo ba mẹ về lại Việt Nam. Năm 1961, ông học tại trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Tài không đợi tuổi, năm 11 tuổi, ông viết nhạc, năm 15 tuổi, ông trình diễn mandolin trên truyền hình, năm 16 tuổi, đỗ thủ khoa Trường Quốc gia âm nhạc (môn nhạc Pháp Tây phương). Vào những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ bắt đầu phổ biến tại miền Nam, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà tổ chức soạn thảo lại những ca khúc nước ngoài bằng tiếng Việt. Họ trở thành những nhạc sĩ đầu tiên góp phần Việt hóa nhạc trẻ Âu - Mỹ, nhằm phục vụ nhu cầu âm nhạc của thanh thiếu niên lúc bấy giờ. Ngoài khả năng sáng tác, sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard và organ thành thạo, Quốc Dũng là một trong những ca sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trẻ thời đó, cùng với Thanh Mai tạo thành một đôi song ca nổi tiếng trên sân khấu. Sau này, họ song ca nhiều ca khúc do chính Quốc Dũng sáng tác như "Bên nhau ngày vui", "Dạo khúc uyên ương", "9 con số 1 linh hồn", "Điệp khúc mùa xuân",...Với lối trình diễn khác lạ, Quốc Dũng đã "thay máu" cho tân nhạc miền Nam đang trong giai đoạn còn nhiều dấu ấn của dòng nhạc lãng mạn thời tiền chiến.

Về khả năng sáng tác, Quốc Dũng "phát tiết" rất sớm với tư duy thiên phú của mình. Khi được hỏi về khả năng âm nhạc của lớp trẻ, Phạm Duy đã không ngần ngại đánh giá, Quốc Dũng là "một tài năng hiếm có của âm nhạc Việt Nam". Mới 17 tuổi, ông đã xuất thần viết ca khúc đầu tay "Em đã thấy mùa xuân chưa" với giai điệu nồng nàn, đầy luyến tiếc:

"Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau

Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu

Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi

Giọt sương vẫn rơi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai...".

Thật ra, để khai sinh tình khúc này, Quốc Dũng đã viết phần nhạc (không lời) khi ông chỉ mới 11 tuổi. Phải mất 6 năm sau đó, khi chạm ngõ cuộc đời, chia tay một người con gái ở Sài Gòn để quay lại miền Trung, Quốc Dũng mới "bật" lên toàn bộ phần lời, hoàn chỉnh nhạc phẩm "Em đã thấy mùa xuân" với ca từ buồn da diết. Nếu tinh ý, chúng ta thấy, toàn bộ ca khúc đẹp tựa một bài thơ với ngôn từ ẩn chứa nhiều nỗi niềm nhưng vô cùng thánh thiện, tinh khôi:

"...Trời mưa giăng lối áo em lệ rơi

Nhạt nhòa nét môi đã say quên lời

Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi

Ngày xuân vẫn trôi tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi...".

Ba năm sau kể từ khi ca khúc ra đời, Quốc Dũng bắt đầu phổ biến rộng rãi bài hát này. Ngay trong lần trình làng đầu tiên, với giọng ca đằm thắm của ca sĩ Dạ Hương và ban nhạc Shotgun của nhạc sĩ Ngọc Chánh, "Em đã thấy mùa xuân chưa" được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Giai điệu buồn, ca từ độc đáo đã trở thành hành trang của tất cả ca sĩ phòng trà Sài Gòn trong những tháng năm ấy. Thế nhưng, cũng chính vì sự não nùng của bản nhạc mà trong suốt gần 20 năm sau đó, không ai chịu chọn "Em đã thấy mùa xuân chưa" trong các chương trình băng đĩa nhạc xuân. Ca khúc gần như bị lãng quên theo thời gian, chính Quốc Dũng cũng không còn để ý đến "đứa con đầu lòng" mà tác giả "thai nghén" đến 6 năm. Lý giải về điều này, Quốc Dũng cho biết: "Vì nó buồn quá, mà có một thời gian dài, người nghe chỉ thích những bài hát mùa xuân rộn ràng vui vẻ".

Mãi đến sau này, khi công chúng quá quen thuộc, thậm chí còn chán các giai điệu rộn ràng, nhảy múa của các bản nhạc mùa xuân, người ta mới lục lại, tìm đến ca khúc "Em đã thấy mùa xuân chưa" như một hương vị mới, một giai điệu cần thiết cho mùa xuân. Trong lần "tái sinh" này, tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Quốc Dũng được nâng tầm lên một vị trí mới, bền vững hơn. Không còn da diết, buồn thẳm như Dạ Hương trước đây, ca khúc được làm mới, trẻ trung bởi giọng ca đầy nội lực, nồng nàn và quyến rũ của Quang Dũng, Mỹ Tâm. Và cũng kể từ ngày đó, "Em đã thấy mùa xuân chưa" cất cao đôi cánh, đi vào lòng của nhiều người trẻ yêu nhạc mỗi khi mùa xuân về:

"...Chiều xưa ngồi bên em anh nghe như đã xót xa trong tay mình

Một giây hồn lênh đênh môi em thơm ngát đón đưa cơn say tình...".

Sau ca khúc để đời này, Quốc Dũng viết tiếp "Mai", "Đường xưa", "Cơn gió thoảng", "Chuyện ba người", "Còn mãi nơi đây", "Điệp khúc mùa xuân", "Thoát ly",... Chỉ cần khoảng 20 ca khúc, Quốc Dũng đã tìm cho mình một lối đi riêng về âm nhạc. Không giống bất cứ một nhạc sĩ nào, âm nhạc của ông đã trở thành một phong cách khác, một khuôn mặt mới trong nền âm nhạc Việt Nam. Điều quan trọng hơn, những ca khúc của Quốc Dũng đã chinh phục giới trẻ, được công chúng yêu thích bởi chất trữ tình lãng mạn, da diết, đầy chất tự sự nhưng không u buồn và bi lụy.

Sau năm 1975, Quốc Dũng ở lại Việt Nam, tiếp tục hoạt động âm nhạc cùng với vợ là ca sĩ Bảo Yến. Có thể nói, Quốc Dũng dành trọn vẹn cuộc đời cho âm nhạc, ông viết nhạc từ nhu cầu nội tâm của chính mình, những bản tình ca cứ vui buồn theo biến động của đời sống. Dường như Quốc Dũng không quá bận tâm đến sự nổi tiếng bởi khi được hỏi về điều này, ông lắc đầu, cười hiền hòa, mắt nhìn xa xăm về đường chân trời, nơi có "một vùng mây trắng" bay đi tìm nhau như chính cuộc đời của ông cũng đang muốn trở về một bến đỗ bình yên nào đó:

"...Em biết không em anh như bóng mây tìm nơi đỗ bến

Đâu bến xa vời mà tình vẫn rơi mây hoài vẫn trôi...".

Gần nửa thập kỷ trôi đi, những giai điệu cũ, nghe lại, lòng cứ rưng rưng, xúc động như câu chuyện của ngày hôm qua. Những câu hát không chỉ thuộc về một thời, nó vẫn sống âm ỉ, chảy mãi trong lòng người yêu nhạc. Và giờ đây, khi bóng xuân đang đến bên thềm, tình ca của ông vẫn còn đó, vang lên thiết tha, bồi hồi:

"...Trời dào dạt sóng gió reo mùa đông

Chìm trong giá băng bóng xuân mịt mùng

Vì mình xa nhau nên xuân vẫn mãi xa vời chốn nao

Còn thương nhớ nhau còn nặng u sầu muôn kiếp về sau".

VĂN KHOA

(*) Tựa đề của ca khúc