TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Em trai giành toàn bộ đất đai của cha mẹ để lại mà không chia cho các chị gái có đúng hay không?

Thứ ba, 07/03/2023 09:12
Bạn đọc hỏi: chị Phúc trú tại Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), hỏi: Cha mẹ chúng tôi đều mất vào năm 2018 và không để lại di chúc. Cha mẹ tôi có 3 người con là tôi, em gái tôi và em trai út là ông Kiên. Ông bà nội và ông bà ngoại của tôi cũng đều đã mất trước cha mẹ tôi. Khối di sản của cha mẹ tôi để lại là 2 ngôi nhà ở đường Nguyễn Du và đường Thanh Sơn. Gia đình 2 chị em chúng tôi hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên vì vẫn muốn giữ tình cảm chị em ruột thịt, chúng tôi có ngỏ ý để căn nhà lớn đường Nguyễn Du cho ông Kiên, còn 2 chị em nhận căn nhà nhỏ ở đường Thanh Sơn. Thế nhưng ông Kiên cùng vợ của mình khăng khăng cho rằng chúng tôi không có bất kỳ quyền lợi gì đối với nhà đất do cha mẹ để lại. Sau khi cha mẹ chúng tôi mất, em trai tôi là ông Kiên đã chiếm giữ toàn bộ khối di sản trên mà không phân chia cho 2 chị em chúng tôi với lý do ông là con trai một trong nhà và thờ phụng cha mẹ nên hưởng trọn tài sản cha mẹ để lại, chị em gái chúng tôi đã đi lấy chồng theo chồng thì không được hưởng di sản. Cho tôi hỏi trường hợp này, 2 chị em chúng tôi có được hưởng phần di sản nào trong khối di sản do cha mẹ tôi để lại hay không? Chị em chúng tôi cần phải làm gì để đòi lại quyền lợi của mình?
Luật sư Đăng Văn Vương.
Luật sư Đăng Văn Vương.

Luật sư Đặng Văn Vương - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:

Hiện nay vẫn còn một số người giữ quan điểm con gái khi đã đi lấy chồng thì không được hưởng tài sản của cha mẹ hoặc con gái thì quyền lợi thừa kế ít hơn con trai. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” đó hoàn toàn sai lầm, cổ hủ và không đúng quy định pháp luật.

1. Con gái hay con trai đều có quyền hưởng phần di sản của cha mẹ để lại

Theo thông tin chị Phúc cung cấp, cha mẹ chị đã mất năm 2018 và không để lại di chúc. Ông bà nội, ngoại của chị mất trước cha mẹ chị từ lâu. Trước khi mất, cha mẹ chị có tạo lập được khối tài sản bao gồm nhà đất đường Thanh Sơn và đường Nguyễn Du. Các tài sản này vẫn đứng tên cha mẹ chị - nghĩa là chưa thực hiện tặng cho hay chuyển nhượng tài sản cho ai. Theo quy định của pháp luật về thừa kế, khi người mất không để lại di chúc thì di sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, 2 chị em chị và ông Kiên thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ chị nên cả 3 chị em chị sẽ được hưởng phần di sản thừa kế ngang nhau, không phân biệt con gái – con trai.

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Con cái chăm lo, phụng dưỡng cho cha mẹ khi già yếu thể hiện sự báo đáp công ơn sinh thành, thờ phụng của cha mẹ khi cha mẹ mất là điều hiển nhiên. Đây vừa là đạo hiếu của dân tộc, vừa là quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nên việc ông cho rằng ông là con trai duy nhất, thờ phụng cha mẹ nên được hưởng toàn bộ di sản là không đúng quy định pháp luật.

2. Thủ tục để nhận di sản thừa kế của cha mẹ

Để nhận di sản thừa kế của cha mẹ để lại, chị và các chị em của mình có thể thực hiện 02 phương án sau.

-Phương án 1: Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Đây là phương án ưu tiên lựa chọn vì thủ tục giải quyết nhanh gọn và giúp giữ được hoà khí, tình cảm gia đình. Theo đó, gia đình chị tiến hành họp gia đình, thoả thuận phân chia di sản thừa kế. Sau đó 3 chị em chị ra văn phòng công chứng trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có di sản để thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo hướng dẫn của văn phòng công chứng. Văn bản phân chia di sản thừa kế có công chứng là cơ sở thay đổi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014.

“Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản”.

Tình cảm anh em ruột thịt, máu mủ tình thân - là thứ tài sản có giá trị trường tồn, tiếp nối qua các thế hệ con cháu của mình sau này. Trong trường hợp gia đình chị không thương lượng được, không đi đến thống nhất về việc phân chia di sản thừa kế vì một số lý do nào đó. Luật sư khuyến nghị gia đình có thể nhờ đơn vị uy tín, am hiểu pháp luật để được tư vấn, giải thích rõ về quyền lợi của mình trong quan hệ thừa kế hoặc đứng làm trung gian hòa giải cho các bên trước khi buộc lòng lựa chọn phương án 2.

-Phương án 2: Khởi kiện yêu cầu chia thừa kế

Trường hợp bất đắc dĩ, gia đình chị không thể thỏa thuận được, ông Kiên vẫn khăng khăng cho rằng mình có quyền hưởng toàn bộ khối di sản của cha mẹ chị để lại hoặc có những đòi hỏi vô lý, 2 chị em gái chị có thể thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân Q.Hải Châu (nơi có bất động sản) để yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Lưu ý thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản theo quy định pháp luật là 30 năm đối với bất động sản.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425