“Em yêu lịch sử Việt Nam” - sức lan tỏa từ một cuộc thi

Thứ sáu, 06/02/2015 11:03

(Cadn.com.vn) - Phát biểu tại lễ chung kết, trao giải cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” do Bộ GD-ĐT phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 5-2 tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), GS-TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban chung khảo cuộc thi, xúc động bày tỏ: khi cuộc thi phát động, ông lo lắng vì sợ nó sẽ rơi vào hình thức, thi cho có lệ như một số cuộc thi khác.

Rằng, sẽ tái diễn hiện tượng, một vài người làm rồi  kích hoạt, nhân bản... Tuy nhiên, những gì đã diễn ra xung quanh cuộc thi đã hoàn toàn đánh tan trong ông suy nghĩ đó. Ông vui mừng và thực sự xúc động bởi cuộc thi đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tuy cuộc thi đã kết thúc, nhưng lại mở đầu cho một điều mới mẻ: bắt đầu cho sự đổi mới thực sự trong cách dạy - học môn Lịch sử của nước nhà...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và BGK trao giải cho các HS đạt giải đặc biệt, nhất, nhì, ba. 

Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, cái được lớn nhất của cuộc thi chính là đã có sự đổi mới trong cách ra đề với cấu trúc câu hỏi mở, không như một số cuộc thi khác. Với cách ra đề thi không khuôn sáo, khô cứng, không áp đặt, khiên cưỡng mà đã phát huy khả năng cảm nhận, bày tỏ suy nghĩ của HS để tạo một sự chuyển biến mới trong nhận thức của HS, góp phần lấy lại tình cảm và tình yêu của thầy trò đối với môn học này.

Cách ra câu hỏi mang tính gợi mở, tự chọn nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử để bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của mình đã giúp cho BGK nói riêng, thầy cô dạy sử và những người yêu lịch sử nước nhà khi đọc bài dự thi của các em HS đã phát hiện được rằng: Không phải HS Việt Nam không yêu lịch sử Việt Nam mà chính là do cách giảng dạy Lịch sử của chúng ta có quá nhiều vấn đề...

Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, điều quan trọng là phải làm thế nào để kích hoạt tình yêu lịch sử Việt Nam trong mỗi HS, bởi “tình yêu không thể dựa trên sự áp đặt, bắt buộc”. Lịch sử là “túi càn khôn”, là kho di sản, là ngọn lửa tiếp sức, dung dưỡng và tiếp thêm sức mạnh cho tâm hồn, ý chí. Theo đó, việc HS không yêu thích môn học này là lỗi của người lớn, lỗi của người dạy Sử, kể cả người làm Sử, trong đó có ông-GS-TSKH Vũ Minh Giang thẳng thắn nhìn nhận. Vì thế, ông cho rằng, việc tháo gỡ trong vấn đề đổi mới phương pháp giáo dục, trong đó có môn Lịch sử phải được bắt nguồn từ người lớn. Đó là trọng trách của những người làm Sử, dạy Sử trong việc đổi mới, tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, bất cập.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, thông qua cuộc thi lần này, những người dạy Sử, làm Sử có cảm nhận HS chúng ta không hề thờ ơ với lịch sử nước nhà. Vấn đề quan trọng là phải đổi mới phương thức dạy sao để khơi dậy trong các em niềm yêu thích Sử. Được biết, sau gần 4 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút 62/63 tỉnh thành tham gia.

Thông qua các vòng loại từ cơ sở, đã có 2.170 bài dự thi của HS từ lớp 6 đến lớp 12 trên cả nước lọt vào vòng 1 toàn quốc. Theo đó, có 300 bài dự thi tiếp tục lọt vào vòng 2. Từ đó, BGK đã chọn được 106 bài để trao giải, gồm: 2 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 10 giải nhì, 30 giải nhất và 60 giải khuyến khích. Đặc biệt, trong số đó có bài dự thi của em HS khiếm thị Nguyễn Đăng Khoa (HS lớp 6A trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hải Phòng) được viết bằng chữ nổi và có cả phiên bản chữ viết thông thường.

Theo ghi nhận từ BTC và BGK, nhiều sở, nhiều trường học đã có cách triển khai, tuyên truyền mang đến cho HS một tâm thế, một nhận thức hoàn toàn mới mẻ đối với môn Lịch sử, tạo nên không khí trang trọng cho cuộc thi, vừa kích thích được sự yêu thích và sáng tạo của HS trong cách trình bày bài dự thi. Có nhiều bài thi được trình bày rất công phu, rất “lịch sử”, chuyển tải bài thi qua các thông điệp lịch sử như trình bày trên giấy gió, trên cuốn thư như chiếu chỉ của vua ban, trình bày trên lồng đèn, trên thẻ tre, sách gỗ... Nhiều trường đóng thành tập sách trình bày trang nhã, đẹp mắt... Hầu hết trong các bài thi, HS đã nắm khá chắc kiến thức lịch sử, lối viết trong sáng, rõ ràng, lập luận logic...

Đặc biệt, nhiều HS đã bày tỏ suy nghĩ đáng để cho ngành GD, ngành Sử học phải trăn trở, nghiên cứu. Cụ thể, trong phần trả lời câu 5, không ít HS đã thể hiện tâm huyết và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc dạy-học lịch sử dân tộc. Theo đó, các em đã bày tỏ thẳng thắn, chân thật với mong muốn có SGK, tài liệu học tập tốt hơn, đẹp hơn, có nhiều tranh ảnh minh họa hơn cũng như mong muốn thầy cô dạy môn Lịch sử hay hơn, đừng gò ép, xơ cứng khiến các em không có sự thích thú đối với môn học này.

HS đạt giải đặc biệt Ngô Thị Phương Linh bên các bài thi được đóng thành tập sách của tỉnh Quảng Ninh và bài dự thi được trình bày trên cuốn thư. Ảnh: P.T

Em Ngô Thị Phương Linh- HS Trường THPT chuyên Hạ Long, TP Hạ Long (Quảng Ninh), một trong 2 HS đạt giải đặt biệt - cho rằng, để HS yêu thích môn Lịch sử, em mong muốn các thầy cô thay vì đọc chép khô khan, nên minh họa bằng những hình ảnh trực quan, sinh động hơn. Cũng theo Linh, các thầy cô dạy Lịch sử phần lớn là lớn tuổi nên khả năng ứng dụng CNTT hạn chế hơn thầy cô trẻ.

Chính điều này ít nhiều làm hạn chế cách giảng dạy của các thầy cô. Phương Linh cho rằng, việc ứng dụng phần mềm CNTT sẽ giúp cho bài giảng sinh động, thu hút hơn. Bên cạnh đó, việc đưa HS tham quan thực tế tại các bảo tàng, khu di tích lịch sử tại địa phương để thông qua đó khơi gợi cảm hứng của HS đối với môn học Lịch sử cũng rất quan trọng. Về HS cũng cần phải đổi mới cách học. Theo đó, phải học môn lịch sử với lòng tự hào, tự tôn dân tộc... Dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng có thể nói,  cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa rộng, khơi dậy được tình yêu đối với quê hương, đất nước trong mỗi HS...

P.Thủy