EU, Anh áp gói trừng phạt mới với Nga

Thứ năm, 22/05/2025 09:25

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga, đánh dấu một bước leo thang mới trong chiến lược gây áp lực kinh tế và chính trị nhằm buộc Moscow chấm dứt xung đột với Ukraine.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX

Gói trừng phạt được thông qua ngày 20-5 tập trung nhắm vào "Hạm đội bóng đêm" - mạng lưới tàu chở dầu được cho là giúp Nga "lách" các lệnh trừng phạt trước đó, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng chục quan chức và tổ chức Nga liên quan hỗ trợ "chiến dịch quân sự" của Nga ở Ukraine.

Trọng tâm của gói trừng phạt là việc đưa gần 200 tàu chở dầu vào danh sách đen của EU, được xác định là một phần của "Hạm đội bóng đêm" - thuật ngữ phương Tây dùng để chỉ các tàu chở dầu Nga sử dụng để lách các lệnh trừng phạt. Mục tiêu của EU là làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu mỏ của Nga, từ đó giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng, vốn chiếm 30-40% ngân sách của Nga.

Các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các thành viên trong giới quân sự và chính trị cấp cao của Nga, cũng như các thực thể nước ngoài tại Trung Quốc hoặc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị cáo buộc hỗ trợ Điện Kremlin lách các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trước đó. EU cũng sẽ trừng phạt hơn 20 cá nhân và tổ chức phát tán thông tin sai lệch, cùng với 20 thẩm phán và công tố viên tham gia vào các vụ án chính trị chống lại phe đối lập Nga. Gói trừng phạt này cũng nhắm vào các linh kiện thiết yếu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, bao gồm hóa chất, vật liệu và các hàng hóa lưỡng dụng (dùng được cả trong dân sự và quân sự).

EU đã đe dọa sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn và không nghiêm túc tham gia vào các nỗ lực hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố rằng một “gói trừng phạt mạnh mẽ mới của EU” đang được chuẩn bị. Các lĩnh vực tiềm năng bị nhắm đến bao gồm dịch vụ tài chính, năng lượng và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng EU sẽ gia tăng sức ép cho đến khi Tổng thống Nga sẵn sàng cho hòa bình.

Phản ứng của Nga và Ukraine

Ngay sau khi EU và Anh tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vào ngày 20-5, cả Moscow cũng như Kiev đều lên tiếng phản hồi theo những quan điểm khác nhau.

Theo RIA Novosti, Phái bộ thường trực của Nga tại EU khẳng định các biện pháp trừng phạt mới của khối này nhằm vào Nga là trái với luật pháp quốc tế. "Chúng tôi tin chắc rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua đều trái với luật pháp quốc tế và không hợp pháp. Chúng ta sẽ không tránh khỏi phản ứng thích đáng từ Nga", đại diện của phía Nga nhấn mạnh. Cùng lúc đó, Đại sứ quán Nga tại Anh cũng khẳng định rằng những đòn trừng phạt của Anh diễn ra vào thời điểm "đối thoại Nga - Mỹ đang tiến triển ở mức cao nhất và nhằm mục tiêu tìm kiếm cách tiếp cận có thể được các bên chấp nhận nhằm giải quyết lâu dài cuộc khủng hoảng Ukraine". Động thái trên của Anh được phía Nga nhận định là "đòn tấn công hung hăng". Đại sứ quán Nga cũng chỉ trích cách tiếp cận này trong chính sách của London khi đã "kẹt trong các khuôn mẫu lỗi thời".

Về phía Ukraine, trong bài đăng trên ứng dụng Telegram, Tổng thống nước này Zelensky lại đánh giá ngày 20-5 là thời điểm có những "quyết định quan trọng về lệnh trừng phạt". Ông nói rõ: "Đây là một bước đi đúng hướng và cần có nhiều bước trừng phạt nhất có thể để Nga quan tâm đến hòa bình". Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh các nguồn lực của Nga như dầu mỏ, đội tàu chở dầu, tất cả cơ sở hạ tầng năng lượng, “tất cả các ngân hàng của họ, tất cả các chương trình tài chính và ngành công nghiệp quân sự của Nga – tất cả những thứ này đều phải bị trừng phạt”. Trong bài viết của mình, ông Zelensky cũng thể hiện "sự biết ơn" đối với việc Anh đã đưa ra quyết định trừng phạt các thực thể tại Nga. Ngoài ra, ông cho biết sẽ "tiếp tục làm việc về các lệnh trừng phạt ở nhiều cấp độ khác nhau với Mỹ". Ông cho rằng đây chính xác là điều cần thiết để ngăn Tổng thống Nga Putin chấm dứt chiến tranh.

Mỹ hoãn trừng phạt

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung đang được phối hợp với Washington, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin vào ngày 19-5, cho biết ông không có ý định áp đặt các biện pháp mới đối với Moscow nhằm tránh làm gián đoạn các nỗ lực hòa bình. Khi được hỏi tại sao không áp đặt các lệnh trừng phạt mới để ép Moscow đạt được một thỏa thuận hòa bình như từng đe dọa, ông Trump trả lời các phóng viên: “Bởi vì tôi nghĩ vẫn còn cơ hội để đạt được điều gì đó, và nếu bạn làm điều đó, bạn cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cũng có thể sẽ đến lúc điều đó xảy ra”.

Theo hãng tin TASS, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Tổng thống Trump đang hoãn việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, nhằm duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với cả Moscow và Kiev. Ông Rubio nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump ý thức rõ về các lựa chọn trừng phạt sẵn có và sẽ cân nhắc sử dụng nếu xác định rằng Tổng thống Nga Putin không thiện chí đàm phán. Tuy nhiên, ưu tiên hiện tại của chính quyền là chấm dứt xung đột, do đó cần giữ nguyên khả năng đối thoại với cả hai bên.

AN BÌNH