EU áp giá trần đối với dầu Nga - động thái đầy rủi ro

Thứ hai, 05/12/2022 09:19
Ngày 2-12, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia thông báo đồng ý mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, sau khi các thành viên Liên minh châu Âu vượt qua sự phản đối từ Ba Lan và đạt được thỏa thuận này trước đó.
Cơ sở xử lý dầu tại mỏ Vankorskoye thuộc sở hữu của tập đoàn Rosneft của Nga. Ảnh: Reuters
Cơ sở xử lý dầu tại mỏ Vankorskoye thuộc sở hữu của tập đoàn Rosneft của Nga. Ảnh: Reuters

"G7 và Australia... đã đạt được sự đồng thuận về mức giá tối đa 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển có nguồn gốc từ Nga", G7 cho biết trong một tuyên bố. Tuyên bố cũng cho biết G7 đang thực hiện lời cam kết "ngăn chặn Nga thu lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine, hỗ trợ sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu và giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực do cuộc chiến gây ra".

Trong tuyên bố mới nhất, G7 và Australia cho biết mức giá trần mới sẽ có hiệu lực vào ngày 5-12 hoặc rất sớm sau đó. Các quốc gia này cho rằng bất kỳ sự sửa đổi nào về mức giá mới cũng sẽ đi kèm cơ cấu đảm bảo các giao dịch từ trước có thể hoàn tất trước khi áp dụng thay đổi. "Liên minh giới hạn giá cũng có thể xem xét hành động tiếp theo để đảm bảo tính hiệu quả của việc giới hạn giá", G7 và Australia tuyên bố.

Thỏa thuận được đưa ra sau một loạt các cuộc đàm phán vào phút cuối. Ba Lan từ lâu đã ủng hộ một thỏa thuận của EU, tìm cách đặt mức trần càng thấp càng tốt. Sau hơn 24 giờ cân nhắc, khi các quốc gia EU khác đã báo hiệu rằng họ sẽ ủng hộ thỏa thuận, Warsaw cuối cùng đã nhượng bộ vào cuối ngày 2-12.

Chặn nguồn thu của Nga

Động thái này được cho là một bước đi quan trọng của phương Tây nhằm sắp xếp lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và cản trở dòng tiền của Moscow, được cho là phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận trên sẽ giúp hạn chế "nguồn thu nhập chính của ông Putin cho cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine đồng thời duy trì sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu".

"Làm tê liệt doanh thu năng lượng của Nga là cốt lõi của việc ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, đồng thời nói thêm rằng bà rất vui khi mức giới hạn được giảm thêm vài đô la so với các đề xuất trước đó. Theo nữ Thủ tướng Estonia, cứ mỗi đô la giới hạn được giảm xuống, thì Nga sẽ giảm thu 2 tỷ USD.

Những hệ lụy

Mức trần 60 USD/thùng gần với giá dầu thô hiện tại của Nga, gần đây đã giảm xuống dưới 60 USD một thùng. Một số người chỉ trích rằng mức đó không đủ thấp để cắt giảm một trong những nguồn thu nhập chính của Nga.
Việc áp giá trần dầu Nga cũng gây rủi ro lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vì mất đi một lượng lớn dầu thô từ nhà sản xuất số 2 thế giới. Điều này khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu thêm trầm trọng, trong khi các quốc gia đang phát triển còn dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về chi phí năng lượng. Ngoài ra, các hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại có thể đồng nghĩa với việc thế giới bớt khát dầu hơn. Đó là điều mà OPEC và các nước sản xuất dầu đồng minh, bao gồm cả Nga, đã chỉ ra khi quyết định cắt giảm nguồn cung cho thế giới vào tháng 10. Liên minh OPEC + dự kiến sẽ gặp lại vào ngày 4-12. Xu hướng đó, cộng với việc lệnh cấm vận của EU có thể ngắt thêm nguồn cung dầu ra thị trường, đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung bị siết chặt và giá sẽ cao hơn.

Phản ứng của Ukraine và Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng việc áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng là chưa đủ cứng rắn và sẽ không có tác dụng ngăn cản Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo ông, mức giá dầu Nga vẫn "khá dễ chịu" và sẽ giúp ngân sách Nga tăng thêm 100 tỷ USD mỗi năm. Ông Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine trước đó cho rằng, trần giá dầu Nga nên được đặt ở mức 30 USD "để phá hủy nền kinh tế Nga nhanh hơn".

Về phần mình, Nga cho rằng việc các chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái nguy hiểm và bất hợp pháp. Trong bài đăng mới nhất trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ chỉ trích động thái trên là "định hình lại" các nguyên tắc thị trường tự do, đồng thời khẳng định thế giới vẫn có nhu cầu đối với dầu mỏ của Nga bất chấp những biện pháp trên. Bài đăng nhấn mạnh "những biện pháp như vậy sẽ không tránh khỏi dẫn tới những hậu quả làm gia tăng bất ổn và khiến khách hàng phải trả chi phí cao hơn". Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moscow đang phân tích tình hình và sẽ đưa ra biện pháp đáp trả.

AN BÌNH