EU cân nhắc gia hạn giá trần khí đốt
Vào thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt sang châu Âu liên quan đến chiến sự tại Ukraine, giá khí đốt đã có thời điểm lên đến hơn 300 EUR (khoảng 318 USD)/ megawatt giờ. Để kiềm chế đà tăng của giá năng lượng, các nước thành viên EU cuối cùng đã nhất trí áp dụng giá trần nếu giá khí đốt chạm mức 180 EUR/megawatt giờ trong ba ngày liên tiếp. Theo Ủy ban châu Âu (EC), biện pháp giá trần nói trên không gây ảnh hưởng tiêu cực kể từ khi được áp dụng và giá khí đốt hiện đã giảm 90% so với năm ngoái.
Các quan chức cấp cao của EU cho biết, dù giá năng lượng đã giảm xuống và lượng khí đốt dự trữ của EU đang ở mức cao kỷ lục, nhưng nguồn cung mùa đông này có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Israel và Hamas, cũng như sự cố xảy ra với cơ sở hạ tầng khí đốt ở vùng biển Baltic. Các quan chức này cho rằng EU cần có một chính sách "bảo hiểm" trước những rủi ro này. Trong bối cảnh đó, 10 nước thành viên EU, trong đó có Đức, đã ký vào một bản đề nghị EC gia hạn các biện pháp pháp lý khẩn cấp đã được áp dụng từ mùa đông năm ngoái. Đức và Pháp cũng dẫn đầu kêu gọi EC gia hạn các quy định trợ cấp nhà nước, cho phép chính phủ các nước thành viên EU chi các khoản tiền lớn để hỗ trợ người tiêu dùng đang chịu sức ép từ giá năng lượng tăng cao. EC dự kiến sẽ đưa ra một đề xuất vào tháng 11, trong đó xác nhận biện pháp nào trong số các biện pháp năng lượng khẩn cấp, trong đó có mức giá trần khí đốt, cần được gia hạn. Biện pháp tự nguyện cắt giảm nhu cầu khí đốt 15% hiện đã được gia hạn đến tháng 3-2024.
T.N