EU lo sợ Brexit, vì sao?
(Cadn.com.vn) - Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới của Anh về việc đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) được xem là sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử liên minh 28 quốc gia thành viên này. Theo giới quan sát, London sẽ có những cái được và mất khi rời EU, và ngược lại EU cũng sẽ có nhiều thứ để mất. Vậy, EU có thể sẽ mất những gì khi Anh ra đi?
Kinh tế
Nền kinh tế của Anh lớn thứ nhì Châu Âu chỉ sau Đức. Quốc gia này đại diện cho 17,6% GDP của EU, tương đương 14.600 tỷ EUR. Theo ông Charles de Marcilly đến từ Robert Schuman Foundation - một tổ chức kinh tế tại Paris, mặc dù Brexit không phải là một "thảm họa" nhưng chắc chắn sẽ "cắt cụt" một phần "chi" của EU. Khoảng hơn 50% tổng xuất khẩu của Anh vào EU và hơn 50% tổng nhập khẩu vào Anh là từ EU. Nói cách khác, nền kinh tế của Anh được tích hợp chặt chẽ với phần còn lại của Châu Âu. Nếu London rời đi các khu vực tự do thương mại của liên minh này sẽ buộc phải đàm phán lại.
Báo The Sun của Anh lập luận cho rằng, Nữ hoàng Elizabeth có khả năng ủng hộ việc Brexit. |
Ngoại giao
Vương quốc Anh là một nhà ngoại giao quan trọng tại EU khi cường quốc này hiện có 123 đại sứ quán trên toàn thế giới. Anh còn có khả năng vũ khí hạt nhân và giữ một ghế thường trực tại HĐBA LHQ. Giám đốc Jan Techau của Trung tâm Carnegie Châu Âu nhận định, chính sách đối ngoại của EU chưa hẳn là thành công nhưng bất cứ khi nào EU muốn làm một điều gì đó hữu ích và mạnh mẽ, London luôn đóng một vai trò quyết định rất quan trọng. Điển hình như việc trừng phạt nhằm vào Nga do những tranh cãi về cuộc chiến ở Ukraine hoặc đàm phán với Iran.
Quân sự
Quân đội Anh đứng hàng đầu trong EU về quy mô và năng lực sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài. Trong khi Đức, đất nước được nhiều người coi là nhà lãnh đạo của EU, thì Anh trong lịch sử từng rất "kín đáo" khi thể hiện sức mạnh quyền lực ở nước ngoài. Một EU mà không có Anh chắc chắn nguồn lực sẽ kém hơn và giống như đội bóng mất đi một cầu thủ mạnh. Đây ắt hẳn không phải là một điều có lợi.
Tư tưởng
Nước Anh tượng trưng cho một thị trường mở, hệ thống chủ nghĩa tư bản, một thị trường độc lập và tự do thương mại. Tất cả những điều tốt đẹp này khiến EU ngày càng lớn mạnh hơn và tổ chức này sẽ có nguy cơ bị phá hỏng bởi một Brexit nếu xảy ra. 28 quốc gia thành viên có thể cởi mở trong vấn đề tự do đi lại, tự do thương mại giữa các quốc gia nhưng họ vẫn có những ưu tiên riêng, nguồn lực khác nhau và không ít quốc gia thành viên có xu hướng tự quyết thay vì trông chờ vào EU. Nếu Anh "chia tay" EU, một thời kỳ bất ổn về tư tưởng chắc chắn sẽ mở ra với các nước thành viên trong liên minh này.
Tiền lệ xấu
Giới phân tích cảnh báo, quyết định rời EU của Anh cho thấy sự chia rẽ nội bộ sâu sắc bên trong liên minh 28 thành viên này. Hơn nữa, nếu London phát triển mạnh sau khi rời EU và các quốc gia thành viên tiếp tục chật vật giải quyết khó khăn, các nước thành viên đó sẽ đặt câu hỏi về tư cách thành viên trong liên minh. Và việc Anh "chia tay" EU sẽ trở thành tiền lệ xấu đối với các thành viên còn lại. Điều này có thể đẩy liên minh đi đến chỗ sụp đổ.
Cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6 tại Anh chắc chắn sẽ diễn ra và cho câu trả lời được chờ đợi nhất hiện nay. Dù Anh có "dứt áo ra đi", chắc hẳn sẽ mất rất nhiều thời gian để khẳng định, EU sẽ thịnh vượng hay suy yếu nếu không có thành viên chủ chốt này.
Tuệ Khanh
(Theo CNN)