EU vạch ra kế hoạch hòa bình chấm dứt xung đột Israel - Hamas

Thứ ba, 23/01/2024 13:45
Liên minh châu Âu (EU) đã soạn thảo và đưa ra một kế hoạch 10 điểm cho một giải pháp toàn diện, đáng tin cậyvề cuộc xung đột Israel – Hamas khi các ngoại trưởng của khối gặp nhau ngày 22-1 cùng với một số bênliên quan chính ở Trung Đông để thảo luận về tình hình ở Gaza và những tác động rộng hơn của cuộc xung đột đối với khu vực.
Các tay súng Hamas ở Gaza hồi tháng 7-2023. Ảnh: Reuters
Các tay súng Hamas ở Gaza hồi tháng 7-2023. Ảnh: Reuters

Lộ trình hòa bình

Theo bản báo cáo do Cơ quan ngoại giao EU (EEAS) chuẩn bị, kế hoạch của EU vạch ra một loạt bước đi mà cuối cùng có thể mang lại hòa bình cho Dải Gaza, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, đồng thời đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực.

Theo lá thư gửi kèm dự thảo gửi tới các quốc gia thành viên, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết lộ trình dự thảo cũng nhằm xây dựng dựa trên nguyên tắc đã thống nhất, rằng chỉ có giải pháp chính trị bền vững, lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Hamas mới mang lại hòa bình cho người dân và ổn định cho khu vực.

Đại diện đặc biệt của EU về Tiến trình Hòa bình Trung Đông, Sven Koopmans, đã tiến hành tham vấn sơ bộ với Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn các quốc gia Arab và các đối tác quan trọng khác, để tìm ra điểm chung nhằm khôi phục tiến trình hòa bình. Ông Koopmans cũng đã đề xuất tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về vấn đề này cùng các cuộc tham vấn với các quan chức của các nước thành viên EU trong thời gian sớm nhất.

Theo kế hoạch mới được soạn thảo, một tiến trình hòa bình trong tương lai sẽ dẫn đến một nhà nước Palestine độc lập tồn tại bên cạnh Israel và bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel với thế giới Arab. “Thật phi thực tế khi cho rằng Israel và Palestine trong tương lai gần sẽ trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình song phương để đạt được hòa bình toàn diện, chưa nói đến việc kết thúc các cuộc đàm phán như vậy mà không có sự tham gia mạnh mẽ của quốc tế”, kế hoạch mới của EU lưu ý. Báo cáo cho biết thêm: “Palestine sẽ cần một giải pháp thay thế chính trị cho Hamas, trong khi Israel sẽ cần tìm ra ý chí chính trị để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa hướng tới giải pháp hai nhà nước”.

Một yếu tố quan trọng trong lộ trình hòa bình mới của EU là “Hội nghị hòa bình trù bị” có sự tham gia của EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn Arab và Liên hợp quốc. Những bên tham gia sẽ liên lạc thường xuyên với các quan chức Israel và Palestine ở mọi bước và bất kỳ lúc nào, được gọi là các bên xung đột, nhưng ban đầu cả hai sẽ không bị buộc phải ngồi lại với nhau. Dải Gaza và Bờ Tây sẽ có đại diện làChính quyền Palestine (PA) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), thay vì Hamas -lực lượng đã cai trị dải đất này kể từ khi tiếp quản năm 2007 và bị EU và Mỹ chỉ định là một tổ chức "khủng bố".

Hội nghị hòa bình sẽ có một năm để thiết kế khung kế hoạch hòa bình, có tính đến phản hồi từ tất cả các bên liên quan, các nghị quyết của Liên hợp quốc, kết luận của Hội đồng châu Âu và các nỗ lực hòa giải trước đó. Sau khi được soạn thảo, kế hoạch sẽ được trình bày với các bên xung đột và được sử dụng làm cơ sở chính cho các cuộc đàm phán cuối cùng. Theo đề xuất, một yếu tố thiết yếu của Kế hoạch Hòa bình là việc phát triển các biện pháp đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Israel và nhà nước Palestine độc lập trong tương lai, với điều kiện là công nhận ngoại giao lẫn nhau đầy đủ và sự hội nhập của cả Israel và Palestine trong khu vực. Kế hoạch cũng nên bao gồm Gói Hỗ trợ Hòa bình như một động lực khuyến khích cho hai bên xung đột.

Israel bác bỏ điều kiện chấm dứt giao tranh của Hamas

Trong khi EU nỗ lực tìm kiếm giải pháp hướng tới chấm dứt cuộc xung đột Israel- Hamas, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 21-1 tuyên bố không chấp nhận các điều kiện do Hamas đưa ra để chấm dứt chiến sự và giải cứu con tin, sau khi Hamas công bố báo cáo giải thích lý do họ thực hiện cuộc tấn công ở Israel vào ngày 7-10-2023.

Ông Netanyahu "bác bỏ hoàn toàn" các điều kiện đầu hàng của Hamas, đồng thời nhấn mạnh việc Israel cần phải "kiểm soát an ninh toàn diện đối với toàn bộ lãnh thổ phía tây sông Jordan". "Để đổi lấy việc thả các con tin của chúng tôi, Hamas yêu cầu chấm dứt chiến sự, rút lực lượng của chúng tôi khỏi Gaza, thả tất cả những kẻ sát nhân... Nếu chúng tôi chấp nhận những điều kiện này, binh lính của chúng tôi đã chiến đấu một cách vô ích. Nếu chúng tôi chấp nhận những điều kiện này, chúng tôi sẽ không thể đảm bảo an toàn cho công dân của mình", AFP dẫn lời ông Netanyahu. Nhà lãnh đạo cho biết ông đã kiên quyết chống lại "sức ép quốc tế và trong nước" liên quan nỗ lực thành lập nhà nước của người Palestine và sẽ tiếp tục làm như vậy. "Trong suốt nhiều năm việc thành lập một nhà nước Palestine vốn có thể gây ra mối nguy hiểm hiện hữu cho Israel", ông nói.

Ông Netanyahu lên tiếng sau khi Hamas công bố báo cáo đầu tiên biện minh cho cuộc tấn công nhằm vào miền nam Israel vào ngày 7-10-2023. Cuộc tấn công đã làm thiệt mạng khoảng 1.140 người tại Israel, bao gồm dân thường và binh sĩ, đồng thời châm ngòi cho chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza kéo dài đến nay. Ít nhất 25.000 dân thường Palestine ở Gaza đã thiệt mạng trong xung đột. Theo Hamas, cuộc tấn công ngày 7-10-2023 là "một bước đi cần thiết và là phản ứng bình thường trong khi đối đầu với toàn bộ những âm mưu của Israel nhằm chống lại người dân Palestine". Hamas kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến của Israel ở Gaza, các tội ác và hành động thanh lọc sắc tộc nhằm vào toàn bộ cư dân Gaza". Hamas cũng tuyên bố họ phản đối mọi nỗ lực của quốc tế và Israel nhằm quyết định tương lai của Gaza sau chiến sự, nhấn mạnh rằng người dân Palestine có khả năng quyết định tương lai của họ và sắp xếp các công việc nội bộ của họ. Hamas cho rằng "cuộc chiến của người Palestine chống lại sự chiếm đóng và chủ nghĩa thực dân không phải bắt đầu vào ngày 7-10-2023 mà bắt đầu từ 105 năm trước, bao gồm 30 năm thực dân Anh đô hộ và 75 năm lực lượng Phục quốc Do Thái chiếm đóng".

Phản ứng sau tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu hôm 21-1, quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri cảnh báo việc nhà lãnh đạo Israel từ chối chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza đồng nghĩa với “không có cơ hội” để các con tin Israel bị bắt giữ có thể quay trở về.

AN BÌNH