Eurozone “siết chặt”, Hy Lạp nổi giận
(Cadn.com.vn) - Hy Lạp cáo buộc Đức cố gắng làm bẽ mặt họ bằng cách đưa ra những yêu cầu khó khăn hơn cho một thỏa thuận cứu trợ mới khi số phận của Athens đang “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nhóm các Bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) - còn gọi là Eurogroup - ngày 12-7 tiếp tục nhóm họp nhằm nỗ lực cứu Hy Lạp tránh nguy cơ rời khỏi liên minh tiền tệ duy nhất trên thế giới này.
Các Bộ trưởng tài chính Eurozone tiếp tục nhóm họp vào ngày 12-7 sau khi phiên đầu tiên |
Vì sao EU hủy Hội nghị Thượng đỉnh?
Cuộc họp này diễn ra sau khi Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU) quyết định hủy Hội nghị Thượng đỉnh của khối, phiên họp vốn được coi là mang tính quyết định vận mệnh Athens.
Nguyên nhân được cho là do các Bộ trưởng tài chính Eurozone đang tiếp tục những cuộc thảo luận “khó khăn” về đề xuất của Hy Lạp: cải cách và cắt giảm mạnh chi tiêu để được nhận gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 53,5 tỷ EUR. Thực tế, các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU sẽ phải đối mặt với 2 kịch bản nếu nhóm họp. Hoặc là nói về những ảnh hưởng chính trị của một thỏa thuận đạt được trên bàn Eurogroup hoặc nếu đàm phán thất bại, họ sẽ phải làm gì. Vì vậy, việc hủy Hội nghị Thượng đỉnh có thể được hiểu rằng, các cuộc đàm phán của nhóm Eurogroup sẽ rất căng thẳng nên khó có thể sớm đạt được một thỏa thuận.
Trước đó, hội nghị Eurogroup kết thúc đêm 11-7 tại Brussels (Bỉ) mà không đạt được thỏa thuận nào. Lần này, giới phân tích cho rằng, nếu Eurogroup không thể đi đến một thỏa thuận, họ đã chính thức đẩy Hy Lạp đi xa Eurozone hơn nữa.
Athens bẽ mặt
Bất chấp nỗ lực của Hy Lạp, Đức - chủ nợ lớn nhất của Athens - vẫn tiếp tục hoài nghi về khả năng Thủ tướng Alexis Tsipras thực hiện những biện pháp khắc khổ mà người dân đã nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5-7.
Theo các nguồn tin, Bộ Tài chính Đức thậm chí đưa ra kế hoạch gồm 2 phương án để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Hy Lạp.Thứ nhất, Hy Lạp cần chuyển giao toàn bộ quỹ tài sản trị giá 50 tỷ EUR để lấy tiền trang trải nợ. Thứ hai, Eurozone cần ngừng tư cách thành viên của Hy Lạp trong “ít nhất 5 năm” để có thời gian tái cơ cấu các khoản nợ của Athens. Một số quốc gia có quan điểm cứng rắn ủng hộ các đề xuất của Đức. Trong khi đó, một số nước khác cho rằng, “như vậy là quá đủ”. Thủ tướng Italia Matteo Renzi khuyến cáo Berlin nên chấp nhận đề xuất của Hy Lạp và không được làm Athens “bẽ mặt” thêm nữa. Athens cũng cáo buộc chính phủ Thủ tướng Angela Merkel tìm mọi cách làm bẽ mặt họ khi đưa ra những yêu cầu quá khó khăn.
Được cử tri “chọn mặt gửi vàng” nhờ cam kết thoát khỏi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, nhưng Thủ tướng Tsipras cuối cùng đã chấp nhận hầu hết các điều kiện ngặt nghèo của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ. Đây chính là thất bại đau đớn của Thủ tướng Tsipras chỉ vài ngày sau khi ông đánh dấu tiếng vang trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 5-7. Theo Reuters, tại phiên họp Quốc hội vào hôm nay (13-7), Thủ tướng Tsipras phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn: ban hành một đạo luật quan trọng, trong nỗ lực bắt đầu khôi phục lại niềm tin bị lung lay của các đối tác trong 19 quốc gia liên minh tiền tệ nhằm nhanh chóng có được gói cứu trợ thứ 3. Nếu Hy Lạp đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế trong cuộc họp này, các ngân hàng có thể mở cửa trở lại vào tuần tới.
Giới phân tích cho rằng, Athens đã “cúi đầu” trước những yêu sách của Châu Âu, do đó các nước cần nhanh chóng đi đến một thỏa thuận. Bởi lẽ, theo họ, việc làm bẽ mặt một đối tác Châu Âu sau khi họ đã chấp nhận từ bỏ gần như mọi thứ là điều “không thể tưởng tượng nổi”.
Khả Anh