Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ 7 liên tiếp

Thứ sáu, 14/06/2024 15:36

Đêm 12-6 (giờ địa phương), sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,5%, đồng thời hạ dự báo cắt giảm lãi suất xuống một lần duy nhất trong năm nay thay vì 3 lần như dự báo hồi tháng 3-2024.

Trong một phát biểu đưa ra tại cuộc họp báo hôm 12-6 (giờ địa phương), Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell lưu ý rằng ngân hàng trung ương vẫn chưa đủ tự tin để cắt giảm lãi suất, ngay cả khi lạm phát đã giảm bớt từ mức đỉnh điểm và còn quá sớm để biết liệu chính sách của Fed có "đủ hạn chế" hay không

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thêm lập trường vững vàng của Cục Dự trữ Liên bang đối với chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng vẫn cần chờ đợi để có thể thấy được những tiến triển đầy đủ. Theo ông Powell, hiện nay, lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng tốc độ tăng giá đã giảm "đáng kể" và Mỹ đang có một nền kinh tế đang phát triển cùng thị trường lao động mạnh mẽ.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thừa nhận đã đạt được ít nhất một số thành tựu trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát khiến người dân Mỹ phải vật lộn trong 3 năm qua. Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết trong những tháng gần đây, đã có thêm tiến bộ khiêm tốn hướng tới mục tiêu lạm phát 2%. Trước đó cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại nước này tiếp tục giảm trong tháng trước, một số liệu tích cực ngay trước khi Fed công bố quyết định lãi suất. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,3% trong tháng 5-2024 so với cùng thời kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với tháng trước và vượt kỳ vọng của các kinh tế gia. Tốc độ tăng giá chậm lại đáng kể so với mức đỉnh khoảng 9% vào năm ngoái, nhưng lạm phát vẫn cao hơn một điểm phần trăm so với mục tiêu 2% của Fed.

Trong tuyên bố chính sách mới nhất, Fed vẫn giữ nguyên các yếu tố chính trong đánh giá kinh tế và hướng dẫn chính sách. Mặc dù đánh giá tình hình lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, song các nhà hoạch định chính sách Fed cho rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ phù hợp khi nhận thấy lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%.

Sự dai dẳng của lạm phát đã khiến Fed giữ nguyên lãi suất kể từ lần tăng cuối cùng vào tháng 7-2023. Tại cuộc họp vào tháng 3, Fed dự báo có 3 lần giảm lãi suất trong năm nay, với tổng lượng giảm 0,75 điểm phần trăm, nhưng sau cuộc họp hôm 12-6, Fed dự báo chỉ đưa ra một lần cắt giảm lãi suất duy nhất trong năm nay. Trước đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế dự kiến Fed sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 tới.

Tác động thế nào đến Mỹ và thế giới?

Theo Bloomberg (Mỹ), việc chậm trễ trong nới lỏng chính sách tiền tệ và giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ và thậm chí là thế giới. Chính sách của Fed tạo ra một tình thế khó khăn. Nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh (BOE) và Ngân hàng Dự trữ Australia tiến hành chu kỳ nới lỏng riêng, điều đó có nguy cơ khiến đồng tiền của họ giảm giá. Từ đó kéo theo tăng giá nhập khẩu và làm suy yếu quá trình giảm lạm phát. Nhưng không nới lỏng có nguy cơ dẫn đến mất tăng trưởng.

Về phần mình, ECB đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào ngày 6-6. Việc BOE chuyển sang cắt giảm lãi suất có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn, và các nhà giao dịch dự đoán BOE sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên vào mùa thu. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông châu Âu trong tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng ngân hàng trung ương phải hành động dựa trên nền tảng khác nhau và nhiệm vụ tương ứng.

Bà Lucy Baldwin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Citigroup, đánh giá với Bloomberg: "Nếu các ngân hàng trung ương lớn chờ càng lâu để cắt giảm lãi suất thì rủi ro đối với nền kinh tế cơ sở càng lớn". Mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ khiến đồng USD mạnh so với các loại tiền tệ khác, bởi lợi suất trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ gia tăng và đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn so với các loại tiền tệ khác. Vì vậy, khi USD tăng giá, mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia có khoản nợ bằng đồng USD. Thêm vào đó, việc trả nợ của họ cũng gian nan hơn khi đồng nội tệ suy yếu.

AN BÌNH

Fed giữ nguyên lãi suất: Giá vàng sáng 2/5 giảm

Sau thông tin Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố giữ nguyên lãi suất, giá vàng trong nước sáng 2/5 giảm ngược chiều so với giá vàng thế giới.

Triển vọng lạc quan về kinh tế thế giới năm 2024

Nhiều nhà kinh tế và chuyên gia cho rằng, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế mới đây đã có những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới.