Triển vọng lạc quan về kinh tế thế giới năm 2024
Triển vọng lạc quan
Các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát đã gây ra những trở ngại cho nền kinh tế nhưng những tác động tồi tệ nhất được cho là đã qua. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, nhờ tăng trưởng thu nhập mạnh và niềm tin rằng những tác động tồi tệ nhất từ việc tăng lãi suất mạnh đã qua. Theo Goldman Sachs, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm tới, trên mức 2,1% theo dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg. Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, Jan Hatzius, cho rằng chính sách tài khóa và việc tăng lãi suất vẫn tiếp tục tác động đến tăng trưởng tại các nền kinh tế, nhưng giai đoạn chịu tác động mạnh nhất đã qua.
Kinh tế Mỹ được cho là tiếp tục tăng trưởng vượt các thị trường phát triển khác, với 2,1%. Để kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3-2022, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Theo Goldman Sachs, các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường phát triển không thể hạ lãi suất trước nửa cuối năm 2024, trừ phi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến. Ngân hàng này nhấn mạnh rằng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và nhóm 10 nền kinh tế phát triển (G10), và dự kiến sẽ giảm hơn nữa. Theo báo cáo của Goldman Sachs, các nhà kinh tế của ngân hàng này dự báo đà giảm của lạm phát trong năm nay sẽ tiếp tục trong năm tới, với lạm phát lõi sẽ giảm từ 3% hiện nay xuống trung bình 2-2,5% trong G10 (trừ Nhật Bản).
Việc thu nhập thực tế tăng đã góp phần đưa đến dự báo tăng trưởng tích cực của Goldman Sachs. Các nhà kinh tế của ngân hàng này vẫn giữ quan điểm tăng trưởng thu nhập thực tế tại Mỹ sẽ chậm hơn, sau khi đạt mức 4% trong năm nay, nhưng vẫn hỗ trợ tiêu dùng và đảm bảo mức tăng trưởng GDP ít nhất là 2%. Tại cả Khu vực sử dụng đồng euro và Anh, tăng trưởng thu nhập thực tế được cho là sẽ tăng mạnh, lên khoảng 2% vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm." IMF nhận định nền kinh tế châu Âu khó có thể suy thoái dù Ngân hàng Trung ương châu Âu đã liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cao. Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.
Xu hướng tích cực nhất trong hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay, theo IMF, là các nền kinh tế mới nổi, điển hình là Brazil. Doanh số bán lẻ của nước này được dự báo sẽ tăng nhiều hơn, sau khi các nhà hoạch định chính sách quốc gia cam kết duy trì tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Vẫn còn nhiều bấp bênh
Mặc dù một vài chỉ số kinh tế cho thấy những tín hiệu cải thiện tiềm tàng, nhưng triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn "rất bấp bênh". Mới đây, báo cáo tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, thương mại toàn cầu trong năm 2023 ước tính sụt giảm 5% so với năm 2022, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm mới 2024. Trong báo cáo Cập nhật Thương mại Toàn cầu, UNCTAD ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD. So với năm ngoái, thương mại hàng hóa giảm gần 2.000 tỷ USD, tương đương mức giảm 8%, song thương mại dịch vụ tăng khoảng 500 tỷ USD, tương đương mức tăng 7%. UNCTAD nhận định thương mại toàn cầu sụt giảm một phần là do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển cũng như do giá cả hàng hóa giảm. UNCTAD dự báo triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn "rất bấp bênh và nhìn chung là bi quan". Không chỉ thương mại, mà tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới đều ghi nhận những sự sụt giảm trong năm qua do những cơn gió ngược. Nhiều nhà kinh tế và chuyên gia dự báo, thế giới năm 2024 đối mặt với những rủi ro mà kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt trong năm 2024.
Mối đe đọa từ căng thẳng địa chính trị
Các cuộc khảo sát cho thấy mối đe dọa kinh tế lớn nhất trong năm tới chính là các tác nhân xấu về địa chính trị. Bởi lẽ, chúng có thể làm đảo lộn các nền kinh tế và thị trường trên toàn cầu. Cuộc khảo sát thường niên do tổ chức tài chính Natixis của Pháp thực hiện hôm 12-12 đã xếp hạng địa chính trị là rủi ro hàng đầu, cao hơn cả những chính sách sai lầm các ngân hàng trung ương, sức tiêu dùng kém hay nền kinh tế Trung Quốc trì trệ.
Thế giới đang phải đối mặt với hai cuộc xung đột địa chính trị mạnh mẽ, giữa Nga và Ukraine, Israel với Hamas. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Oxford Economics đối với 130 doanh nghiệp, gần 40% số người trả lời coi xung đột Israel-Hamas là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu trong hai năm tới. Nếu xung đột lan rộng tại Trung Đông, ảnh hưởng sẽ rất lớn, do khu vực này là một trong những tuyến vận chuyển đường biển đông đúc nhất thế giới. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào eo biển Hormuz hay kênh đào Suez cũng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu, bao gồm gần một nửa lượng vận chuyển dầu thô. Một cú sốc về dầu mỏ sẽ xảy ra sau đó và có thể trở nên trầm trọng hơn những gì đang có hiện nay. Ngoài ra, cuộc xung đột này sẽ gây ra những hậu quả khó lường và có thể dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, cũng như nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn.
AN BÌNH