Fed tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng

Thứ năm, 23/03/2023 22:04
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 22-3 (giờ địa phương) đã tăng lãi suất cho vay đúng như dự kiến là 0,25 điểm, bất chấp những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng. Điều này cho thấy Fed ưu tiên tiếp tục chu kỳ giải quyết lạm phát cao.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Ảnh: AP
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Ảnh: AP

Cân bằng giữa khủng hoảng ngân hàng và lạm phát

Trong một tuyên bố, Fed thông báo mức tăng 0,25 điểm nâng phạm vi mục tiêu lên 4,75-5,00%, và cho biết thêm rằng những diễn biến gần đây của ngành ngân hàng "có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát". Đây là lần thứ 9 liên tiếp Fed tăng lãi suất.

Trước đó, giới phân tích từng dự báo ít có khả năng Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất tại thời điểm hiện nay trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đang ở trạng thái phục hồi dần dần sau sự sụp đổ của ngân hàng khu vực của Mỹ và buộc ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ là Credit Suisse về "dưới ô" của đối thủ trong nước UBS. Theo tờ Vox, tăng lãi suất lên mức 4,75 - 5% là một động thái gây tranh cãi khi những vụ sụp đổ xảy ra trong ngành ngân hàng Mỹ gần đây và một số nhà kinh tế lo ngại rằng lãi suất cao hơn có thể làm suy yếu thêm lĩnh vực tài chính.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody's cho biết: "Fed đang mạo hiểm với hệ thống ngân hàng khi họ tăng lãi suất. Điều đó cho thấy Fed sẵn sàng nhìn ra ngoài cuộc khủng hoảng ngân hàng và theo dõi lạm phát, đồng thời chấp nhận rủi ro hệ thống ngân hàng có thể gặp khó khăn". Ông Zandi nói: "Nếu tôi là họ, tôi sẽ tạm dừng và nhìn xung quanh, rồi họ có thể tăng lãi suất một lần nữa vào cuộc họp tiếp theo".

Tuy nhiên, những người ủng hộ tăng lãi suất lại lập luận rằng tăng lãi suất sẽ cho thấy lĩnh vực ngân hàng đủ ổn định để chịu được lãi suất cao hơn. Ngoài ra, Fed từ lâu đã chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giảm lạm phát và tăng lãi suất là một trong số ít công cụ mà Fed có thể sử dụng. Năm ngoái, Fed đã liên tục tăng lãi suất khi cố gắng kiềm chế lạm phát. Mức tăng 0,25 điểm phần trăm mà FED đưa ra thấp hơn so với mức tăng trước đó và thấp hơn mức tăng 0,5 điểm phần trăm dự kiến ban đầu trước khi xảy ra các vụ sụp đổ ngân hàng. Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy Fed đang cố gắng cân bằng giữa mối lo ngại về các ngân hàng và tình trạng lo lắng về chi phí sinh hoạt của người Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận loạt yếu tố này trong một cuộc họp ngày 22-3. Ông cho biết Fed đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất, nhưng dữ liệu lạm phát và thị trường lao động lại tác động mạnh hơn dự kiến. Ông cũng báo hiệu rằng Fed có thể sắp kết thúc đợt tăng lãi suất hiện nay và có thể chỉ tăng một chút trong tương lai.

Một sự đánh đổi

Quyết định của Fed là một sự đánh đổi. Lãi suất cao hơn có thể làm giảm lạm phát nhưng cũng có thể kéo giảm nền kinh tế quá nhiều và góp phần gây ra nhiều thách thức hơn trong lĩnh vực ngân hàng.

Lãi suất cao hơn đã làm giảm giá trị nắm giữ trái phiếu của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng khan hiếm tiền và sụp đổ khi bị rút tiền ồ ạt. Khi tăng lãi suất hơn nữa, Fed có thể làm trầm trọng thêm tác động này, khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn đối với các ngân hàng nói chung và làm giảm giá trị các khoản đầu tư của họ, trong đó có cả trái phiếu. Cả hai yếu tố này kết hợp lại có thể dẫn đến tình trạng các ngân hàng thiếu vốn và có nguy cơ chịu chung số phận với SVB trong trường hợp bị rút tiền ồ ạt.

Ngoài ra, những đợt tăng lãi suất như vậy có thể đẩy nhanh nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái. Tăng lãi suất là để làm chậm lại một số hoạt động kinh tế, như chi tiêu của người tiêu dùng và tuyển dụng. Việc thu hẹp hoạt động cho vay của ngân hàng cũng có thể làm giảm hoạt động kinh tế và gây ra suy thoái. Nếu chi tiêu, tuyển dụng và cho vay giảm quá nhiều, đó là các yếu tố dẫn đến suy thoái.

Nhà kinh tế Stephanie Kelton tại công ty Stony Brook lưu ý rằng lĩnh vực ngân hàng có thể chịu nhiều tác động tiêu cực hơn dù điều này chưa xảy ra. Theo bà, những lần tăng lãi suất này của Fed đã không tính đến điều đó. Ông Ashis Shah, giám đốc đầu tư của Goldman Sachs, cũng có chung nhận định. "Trong tương lai, chúng tôi hy vọng khung chính sách của Fed sẽ tính thêm những gì xảy ra trong cả nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng", ông Shah nói. "Việc tách chính sách tiền tệ khỏi các mục tiêu ổn định tài chính trong các cuộc khủng hoảng thanh khoản sẽ dễ dàng hơn, nhưng những lo ngại về hạn chế vốn có thể nhanh chóng thay đổi triển vọng kinh tế", ông giải thích thêm.

AN BÌNH