FED tăng lãi suất cơ bản lần thứ 8

Thứ sáu, 03/02/2023 07:37
Ngày 1-2 (giờ địa phương), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2007, đồng thời có rất ít dấu hiệu cho thấy cơ quan này gần chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.

Đây là lần tăng thứ 8 và là đợt tăng lãi suất ít nhất của FED kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3-2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này.

FED không đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế sau cuộc họp lần này, song tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực đưa tỷ lệ lạm phát về ngưỡng trung bình 2%. Greg McBride, chuyên gia phân tích tài chính của Bankrate, nhận xét “dù áp lực lạm phát đã phần nào hạ nhiệt, song nỗ lực của FED vẫn chưa dừng lại… Lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn nữa và được duy trì trong một thời gian lâu hơn”. Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch FED Jerome Powel nói rằng nếu như lạm phát diễn ra theo đúng dự báo, FED có thể sẽ đẩy lãi suất lên biên độ 5-5,25% và dừng lại. Ông Powel nói rằng nền kinh tế Mỹ đang chứng kiến nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, như thị trường lao động và giá cả tiêu dùng, song khẳng định “hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng”.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể đã sẵn sàng cho việc tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 2-2 (giờ địa phương) và trong vài tháng tới nhằm kiểm soát lạm phát ở mức cao tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). ECB được cho là sẽ tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,5% tại cuộc họp lần này. Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) được cho là đã sẵn sàng nâng lãi suất đợt thứ 10 liên tiếp để tiếp tục ngăn chặn lạm phát leo thang. Theo nhận định của các chuyên gia, BoE sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 2-2, đưa lãi suất của ngân hàng này lên 4% - mức cao nhất kể từ năm 2008.

A.B