Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6: Phát triển du lịch bền vững
(Cadn.com.vn) - Hôm nay (9-6), Lễ hội Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6-2017 sẽ chính thức khai mạc. Với nhiều hoạt động hấp dẫn, Festival Di sản Quảng Nam lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực, kéo du khách về với phía Nam của tỉnh Quảng Nam.
Cơ hội từ Festival
Từ lúc tỉnh Quảng Nam chuẩn bị khai trương sản phẩm du lịch ở Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Địa đạo Kỳ Anh, vợ chồng ông Trịnh Kim Trung (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) đã nghĩ đến việc mở một quán nước để phục vụ du khách. Sửa soạn những vật dụng của quán nước, ông Trung cho hay: "Lúc trước địa đạo Kỳ Anh đìu hiu lắm, nhưng mấy năm qua thì đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan địa đạo thế nên vợ chồng tôi mới nghĩ đến việc mở quán nước để kiếm thêm thu nhập". Từ lúc Địa đạo Kỳ Anh được trùng tu và tôn tạo, vùng quê Tam Thăng như được đánh thức. Mỗi năm Di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh đón hơn 2.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mở ra những trang sử mới cho ngành du lịch địa phương và cho cả người dân như vợ chồng ông Trung
Biển Tam Thanh với những vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ. |
Không riêng gì Địa đạo Kỳ Anh, vùng đất phía nam tỉnh Quảng Nam còn sở hữu những thắng cảnh, tài nguyên du lịch khác chưa được khai thác. Đó là biển Tam Thanh hoang sơ cát trắng, đảo Tam Hải (Núi Thành) chứa đựng những giá trị địa chất hiếm có, làng quê Tiên Phước lưu giữ dấu xưa của vùng quê xứ Quảng... tất cả tạo ra một chuỗi liên kết du lịch, đủ sức hút để kéo du khách đến đây khám phá, trải nghiệm. Và điều đó đồng nghĩa sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Bà Nguyễn Thị Phấn (thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh) kể, từ năm 2016 khi làng bích họa Trung Thanh hình thành, cả thôn có gần 190 nhà nhưng có hơn 100 căn được sơn mới và 70 căn được vẽ tranh trên tường. Chính những bức tranh sinh động, đầy màu sắc và chân thật như kể lại chính cuộc sống của người dân làng chài trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách đến với biển Tam Thanh. "Trước đây người dân chúng tôi chỉ biết làm nghề biển nhưng nhờ phát triển du lịch nên tôi và nhiều người khác mở quán kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách, nhờ vậy mà có thêm nguồn thu nhập", bà Phấn nói.
Festival Di sản Quảng Nam luôn là cơ hội lớn để kích cầu du lịch, thu hút đầu tư. Thông qua đó, hình ảnh Quảng Nam với các giá trị, tiềm năng văn hóa, thiên nhiên được quảng bá rộng rãi đến du khách và nhà đầu tư. Ông Võ Văn Vân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, Festival là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các sản phẩm du lịch lễ hội của tỉnh Quảng Nam, mang đến nhiều lợi ích cho địa phương và doanh nghiệp du lịch... "Ngoài lợi ích trực tiếp khi du khách tham gia lễ hội, về lâu dài các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi hình ảnh Quảng Nam được thế giới và du khách biết đến thông qua lễ hội, vì đây là cách quảng bá, xúc tiến du lịch rất có hiệu quả"-ông Vân khẳng định.
Du khách đến tham quan chùa Hải Tạng, địa danh nổi tiếng ở Cù lao Chàm. |
Phát triển du lịch bền vững
Qua nhiều năm tổ chức, Festival Di sản Quảng Nam đã từng bước tạo thương hiệu riêng để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ ở vùng đất xứ Quảng. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Nam cho biết, Festival lần này tập trung quảng bá phát huy giá trị văn hóa biển đảo. Với chiều dài đường bờ biển là 125km cùng với 2 xã đảo là Cù lao Chàm (Hội An) và Tam Hải (Núi Thành) tỉnh Quảng Nam còn tiềm ẩn nhiều giá trị về du lịch biển đảo. Nếu Cù lao Chàm đã được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thì Festival lần này sẽ tổ chức hội thảo khoa học để nhận diện giá trị di sản địa chất của vùng biển Tam Hải và Tam Quang, từ đó có kế hoạch bảo tồn, nếu đảm bảo điều kiện sẽ tham gia công viên địa chất quốc gia, công viên địa chất toàn cầu.
Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao dưới nước như lướt ván buồm với sự tham dự của 30 quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, giải đua thuyền buồm thu hút 8 quốc gia. "Festival lần này, tại biển Tam Thanh sẽ diễn ra triển lãm với sự tham gia của 16 tỉnh ven biển Việt Nam nhằm giới thiệu các đặc sắc về văn hóa biển, trình diễn nghệ thuật dân gian vùng miền của Việt Nam. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, từ hát xoan của Phú Thọ, ví dặm của Hà Tĩnh, đờn ca tài tử của Nam Bộ sẽ quy tụ về Quảng Nam dịp này. Chúng ta cũng sẽ giới thiệu với du khách quốc tế, với tổ chức UNESCO về nghệ thuật diễn xướng bài chòi hay trình diễn nghi thức dựng cây nêu của đồng bào vùng cao Quảng Nam...", ông Đinh Hài giới thiệu.
Trong Festival Di sản Quảng Nam lần này, tỉnh Quảng Nam chủ trương mở rộng quảng bá du lịch về phía nam, phía tây. Điều đó được thể hiện qua nhiều hoạt động tổ chức ở Tam Kỳ, Núi Thành, Trà My, Tiên Phước, Tây Giang... Nếu không có gì trở ngại, sắp đến sẽ khai trương tuyến du lịch Chu Lai - Lý Sơn; Chu Lai - Cù lao Chàm - Lý Sơn ...
Hoàng Anh