Festival nghề truyền thống Huế 2019: Hội tụ “Tinh hoa nghề Việt”
Từ ngày 26-4 đến 2-5, tại TP Huế diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Tại Festival lần này sẽ giới thiệu các sản phẩm độc đáo của nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng các địa phương trong cả nước. Qua đó, vừa khôi phục, bảo tồn làng nghề; vừa xây dựng và phát triển các tour tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống.
Du khách nước ngoài thích thú xem nghệ nhân làm hoa giấy thanh tiên. |
Nhiều nét mới
Theo bà Phạm Quỳnh Dao, Trưởng phòng VH-TT TP Huế, Festival Nghề truyền thống Huế năm 2019 sẽ tiếp tục giới thiệu và trình diễn sản phẩm độc đáo của các nghề và làng nghề nổi tiếng của Huế và các địa phương trong nước, gồm 16 nhóm nghề: thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt - may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân -sư - rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời với sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề và hơn 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước: Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên và TT-Huế. Bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, vì vậy tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, lần đầu tiên tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng. 8 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế và 3 Hiệp hội nghề, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Brazil với 68 nghệ nhân cũng góp mặt tại Festival.
Ngoài các chương trình ghi dấu ấn từ các Festival nghề trước như Lễ hội Áo dài, Lễ tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế, Festival lần này sẽ có thêm Lễ hội hoa, chương trình nghệ thuật của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc... Trong đó, Lễ hội “Hoa làng nghề 2019” hứa hẹn là điểm nhấn ấn tượng tại Festival nghề- sẽ thu hút đông du khách khi được tổ chức trên tuyến đường đi bộ bên bờ sông Hương. Không gian hoa đa sắc màu sẽ làm nền cho nhiều sự kiện khác. Đó là không gian dành cho những người yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật có tên: thư viện kỹ thuật - nghệ thuật đường phố. Ở đó, thanh thiếu niên có thể đến thưởng thức miễn phí cà-phê, nước uống, những món ăn ngon và đọc những cuốn sách quý về nghệ thuật. Cũng trong không gian này, các nghệ sĩ sẽ thực hiện tác phẩm sắp đặt “Ngõ cụt” của một nghệ sĩ đến từ TP Nha trang (Khánh Hòa). Hay một góc khác có tên “Phụ nữ trong nội thất” là nơi trưng bày những bức tranh thêu của XQ, sản phẩm từ lụa tơ tằm thiên nhiên Bảo Lộc (Lâm Đồng), hàng thủ công mây tre đan và đồ gốm sứ Hương Sa, được chế tác từ làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)...
Ông Nguyễn Văn Thành-Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. BTC đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế; không gian Sen và thổ cẩm; không gian Lụa và Áo dài (trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh); không gian Đông y Huế; không gian Mây tre đan; không gian Diều và Thư pháp... Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế. Không gian trình diễn của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 không chỉ ở ven bờ Nam sông Hương như những lần trước, mà còn trải dài sang bờ Bắc, góp phần kết nối các điểm nhấn của sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố.
Các sản phẩm từ làng nghề mây tre đan Bao La. |
Đưa sản phẩm nghề Việt ra quốc tế
Nhiều lần tham gia Festival nghề truyền thống Huế, theo nghệ nhân Thân Văn Huy - làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, H.Phú Vang, TT-Huế), cái được lớn nhất mà ông cảm nhận là sự hồi sinh và phát triển của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong tỉnh và một số địa phương trong nước, từ năm 2013, thông qua các kỳ Festival, sản phẩm của làng hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tháng 7-2018, nghệ nhân Thân Văn Huy vinh dự được mời tham gia triển lãm và thao diễn nghề tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) và ký kết một số hợp đồng kinh tế sau các kỳ lễ hội.
Hiệu ứng mà các kỳ Festival nghề truyền thống Huế mang lại không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và tôn vinh nghệ nhân mà lớn hơn là đưa sản phẩm làng nghề Huế đến với bạn bè quốc tế. Điển hình như, tại Festival nghề truyền thống Huế 2015, nghề Dệt Zèng (A Lưới) được giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng và du khách trong ngoài nước, từ đó chắp cánh cho nghề bay xa, để 2 năm sau được vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, Dệt Zèng đã vươn xa không chỉ nhiều địa phương trong nước mà còn được giới thiệu ra nước ngoài như Nhật Bản, Pháp. Hay Diều Huế có mặt tại Festival diều ở Pháp. Và mới đây, 3 ngành nghề gồm điêu khắc gỗ, pháp lam và phục dựng trang phục áo dài của Huế tham gia triển lãm tại thành phố Cheongju (Hàn Quốc).
Các sản phẩm của làng nghề tre đan Bao La ở làng Bao La (xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, TT-Huế) đều làm từ vật liệu tre và mây. Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, sự tỉ mỉ, công phu của những bàn tay tài hoa, khéo léo. Để cho ra một sản phẩm phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý mối mọt, đến chế tác sản phẩm. Theo ông Võ Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, sản phẩm của Bao La đã xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc... đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động trong làng. Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình, tại Festival nghề lần này, nhiều sản phẩm như mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp Linh Mụ, cầu Trường Tiền... cũng được trưng bày, giới thiệu đến du khách.
H.LAN