Festival nghề truyền thống Huế: Tôn vinh làng nghề Việt

Thứ ba, 18/04/2017 08:50

(Cadn.com.vn) - Festival nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5. Với nhiều chương trình mới, đặc sắc, Festival nghề truyền thống Huế hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những món ăn tinh thần bổ ích, thú vị.

Làng nghề hội tụ bên dòng Hương giang

 Nhằm khôi phục, gìn giữ và phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, Festival nghề truyền thống Huế 2017 với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, TT-Huế. Ngoài ra, còn sự tham gia của các thành phố quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế: TP Takayama, TP Saijo, TP Shizuoka, Cty thêu Shuei (Nhật Bản), Quận Dongnae, TP Busan (Hàn Quốc), Cty Lục Thuận Đại Tử Sa (TP Nghi Hưng, Giang Tô, Trung Quốc).

Với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, người dân và du khách đến với Festival nghề truyền thống Huế năm nay tiếp tục được chiêm ngưỡng 13 nhóm nghề truyền thống nổi tiếng bao đời như: Thêu, Kim hoàn, Mộc mỹ nghệ, Đồng, Gốm, Nón lá, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình, Dệt - May, Mây tre, Pháp lam, các sản phẩm khác, các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế... Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 cho rằng: “Festival nghề truyền thống Huế 2017 không chỉ là cuộc dạo chơi về văn hóa mà còn có ý nghĩa về kinh tế, đây là cơ hội để nghệ nhân các làng nghề tiếp cận với các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống”.

Khác với những năm trước, để thuận tiện cho du khách trong việc tham quan; từ không gian trưng bày, thao diễn đến giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống đều được bố trí dọc theo bờ Nam sông Hương trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Bảo tàng Văn hóa Huế và các công viên bên bờ sông Hương. Trong không gian thơ mộng, trữ tình, các làng nghề truyền thống chọn lựa những nghệ nhân tiêu biểu để làm Lễ tế Tổ Bách nghề nhằm tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã sản sinh ra làng nghề truyền thống lâu đời. Tiếp đó, các nghệ nhân cùng nhau biểu diễn những ngón nghề gia truyền tuyệt kỹ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch và thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Cũng ở đó, các nghệ nhân sẽ tiếp xúc với các tổ chức, chuyên gia du lịch để nắm bắt thị hiếu du khách, tạo ra những sản phẩm du lịch mang dấu ấn của mỗi vùng đất. “Trước đây,  mỗi lần tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, chúng tôi khá vất vả trong việc mời gọi các nghệ nhân, làng nghề tham gia vì phải đến nhiều địa phương, gõ cửa nhiều cơ sở, làng nghề, mà có khi người ta còn nghi ngại. Bây giờ, chỉ cần gửi thư mời là các nghệ nhân, làng nghề gửi danh sách đăng ký tham gia. Tất cả các nghệ nhân đều hứng khởi bước vào cuộc chơi đầy trách nhiệm này”- ông Nguyễn Đăng Thạnh chia sẻ.

Các nghệ nhân đang quảng diễn nghề thủ công truyền thống
tại Festival nghề truyến thống Huế 2015.

Lần đầu tiên diễn ra lễ hội áo dài

Đây là năm đầu tiên mà Festival nghề truyền thống Huế tổ chức Lễ hội áo dài với chủ đề: “Hội họa Huế với áo dài”. Đây là cuộc gặp gỡ giữa tinh hoa hội họa Huế và các nhà thiết kế Hà Nội, Huế, TPHCM. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: “Lễ hội áo dài tại Huế năm nay sẽ có nhiều điều đặc biệt. Chúng tôi nhận ra rằng, hội họa Huế có thể kết hợp cùng áo dài. Do đó, những bức tranh sẽ được in hình lên tà áo dài để quảng bá cho nét đẹp của cố đô... Lễ hội áo dài tới đây tại cầu Trường Tiền, sẽ được các người mẫu trình diễn với vẻ lung linh nhất.100 chiếc xích lô sẽ chở du khách mặc áo dài để tham quan các con đường ở Huế. Tiếp đó, sẽ có các em nữ sinh mặc áo dài trắng đi từ cầu Trường Tiền đến Đại nội Huế rồi qua Trường THPT Hai Bà Trưng. Rồi, có cả những thợ may của Huế sẽ mở cửa hàng may áo dài lấy nhanh cho du khách”.

Ngoài lễ hội áo dài, đây cũng là năm đầu tiên tại Festival nghề truyền thống Huế sẽ diễn ra chương trình thời trang Hội tụ bản sắc Châu Á với các bộ sưu tập độc đáo trên chất liệu dệt may truyền thống của 19 nhà thiết kế: Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia và Tây Ban Nha. Bên cạnh các lễ hội “đinh”, Festival nghề truyền thống Huế 2017 còn dành riêng không gian để các nghệ nhân và làng nghề giới thiệu, trưng bày, thao diễn, tạo hình sản phẩm cũng như giao lưu giữa nghệ nhân với khách tham quan. Đặc biệt, lần đầu bày bán cho du khách các sản phẩm thủ công truyền thống được tuyển chọn từ cuộc thi hàng lưu niệm do TP Huế và các cơ quan liên quan tổ chức đầu năm 2017. Ngoài ra, ban tổ chức còn tiến hành bình chọn các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu trưng bày tại không gian làng nghề để trao giải. Qua đó sẽ giúp các cơ sở, làng nghề có thêm điều kiện để quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm ra thị trường thuận tiện hơn.

Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành cho biết, năm nay, tinh thần xã hội hóa trong tổ chức festival được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo thành phố đã họp và thống nhất, chỉ chi 50% kinh phí tổ chức lễ hội, dự kiến gần 3 tỷ đồng, còn lại là xã hội hóa. “Và tương lai, sẽ tiến tới xã hội hóa toàn bộ kinh phí tổ chức Festival nghề truyền thống Huế theo hướng lấy lễ hội nuôi lễ hội. Ngân sách Nhà nước cần ưu tiên dành cho những chương trình đảm bảo an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chủ trương xã hội hóa sẽ còn được áp dụng cho nhiều chương trình, kế hoạch khác của TP Huế”- ông Thành nói.

H.Lan