G7 áp giá trần dầu mỏ Nga - "nói dễ hơn làm"

Thứ hai, 05/09/2022 09:09
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 2-9, các bộ trưởng tài chính G7 cam kết sẽ "khẩn trương" hoàn tất các biện pháp nhằm áp giá trần dầu mỏ Nga. Các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ chỉ gây tổn thất cho các nhà đầu tư phương Tây sau khi giá năng lượng tăng cao.
Một cơ sở khai thác dầu của tập đoàn Gazprom trên lãnh thổ Nga. Ảnh: Reuters
Một cơ sở khai thác dầu của tập đoàn Gazprom trên lãnh thổ Nga. Ảnh: Reuters

Lật ngược tình thế?

Tuyên bố chung kêu gọi thiết lập một "liên minh" sử dụng giá trần do G7 đặt ra, khuyến khích các nước đang nhập khẩu dầu mỏ và sản phẩm tinh chế từ Nga chỉ mua với mức giá bằng hoặc thấp hơn giá trần. Các bộ trưởng cũng cho biết giá trần có thể được điều chỉnh khi cần thiết và thời gian áp dụng sẽ tính đến các biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu Nga được nêu trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU). Theo Reuters, G7 đặt mục tiêu cắt giảm nhập khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế từ Nga theo từng lộ trình, mục tiêu cuối cùng là giảm tới 90% lượng nhập khẩu từ Nga.

Mục đích của biện pháp này là nhằm ngăn Nga thu nguồn tiền quan trọng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như ngăn giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng. Trong một tuyên bố riêng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen giải thích việc áp giá trần dầu mỏ Nga có tác động kép, không chỉ gây khó khăn cho Nga và giải vây cho Ukraine mà còn tác động đến kinh tế các nước khác. Theo bà Yellen, nếu kế hoạch này được thực thi và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, tình hình lạm phát do giá nhiên liệu tăng cao ở nhiều nước sẽ được kiểm soát và từng bước giảm xuống. Mặt khác, theo bộ trưởng Yellen, nếu Nga thu được ít tiền hơn từ việc bán dầu và sản phẩm tinh chế, chiến dịch quân sự mà nước này phát động ở Ukraine chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh sự ủng hộ của Tokyo với áp giá trần dầu mỏ Nga, bày tỏ lạc quan rằng biện pháp này sẽ giúp kiềm chế giá năng lượng tăng cao và lạm phát.

Gậy ông đập lưng ông?

Trong những tháng qua, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine đã đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao, khiến lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục ở một số quốc gia. Chuyên gia kinh tế Martin Hutchinson nhận định việc G7 áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ gây phản tác dụng tương tự như các biện pháp trừng phạt trước đó từng áp lên Nga. "Cho tới nay, lệnh trừng phạt Nga là địa ngục với các nhà đầu tư phương Tây, trong khi chúng không ảnh hưởng tới Nga", ông Hutchinson nhận định.

Ngoài ra, quyết định áp trần giá dầu Nga còn có nguy cơ dẫn đến hậu quả không mong muốn. Trong 6 tháng qua, các lãnh đạo phương Tây đã nhận ra rằng việc tuyên bố áp đặt giới hạn nhập khẩu dầu Nga, hoặc chỉ đe dọa làm vậy, đã khiến giá dầu thô tăng vọt do lo ngại nguồn cung toàn cầu giảm, dẫn đến gây tổn thương kinh tế cho các quốc gia tuân thủ. Trong khi đó, một số nước đứng ngoài lề, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đã hưởng lợi lớn nhờ nhập khẩu dầu Nga với giá ưu đãi, còn Moscow vẫn thu về lợi nhuận kỷ lục nhờ mức giá tổng thể cao hơn, dù bán được ít dầu hơn. Áp giá trần thậm chí có thể khiến dầu giá rẻ của Nga trở thành mặt hàng được săn đón nhiều hơn, đi ngược lại mục tiêu ban đầu của G7 và phương Tây.

Giới chuyên gia cũng đánh giá áp giá trần dầu Nga thực sự là điều "nói dễ hơn làm". Một trở ngại lớn đối với thành công của phương án áp giá trần là việc thuyết phục những bên mua dầu thô Nga như Ấn Độ Và Trung Quốc tham gia vào kế hoạch. Quan chức cấp cao của EU thừa nhận kế hoạch áp giá trần dầu Nga chỉ có thể "hiệu quả với một số điều kiện nhất định như nó phải được áp dụng toàn diện trên toàn cầu, có bên kiểm soát thị trường... và Trung Quốc là một tác nhân khá quan trọng". Theo Ajay Parmar, nhà phân tích tại công ty tư vấn thị trường ICIS, Ấn Độ dường như sẵn sàng hợp tác, nhưng Trung Quốc "đến nay vẫn chưa cho thấy họ sẵn lòng tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào với phương Tây".

Nga dọa ngừng bán dầu

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng kế hoạch áp giá trần với dầu mỏ của Nga của phương Tây là "hoàn toàn vô lý". "Nếu họ áp đặt hạn chế về giá, chúng ta sẽ không bán dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia áp đặt các hạn chế đó. Chúng ta sẽ không bán hàng mà không có cạnh tranh", ông Novak nói.

Chỉ trích kế hoạch phi thị trường của phương Tây, ông Novak cho rằng: "Sự can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành quan trọng như ngành dầu mỏ, ngành quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng của toàn thế giới, sẽ chỉ gây bất ổn cho ngành dầu mỏ và thị trường dầu mỏ". Ông nhấn mạnh người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ hiện đang phải trả giá cao cho năng lượng. Chính người dân các nước này sẽ chịu hậu quả từ biện pháp khống chế giá trần với dầu của Nga đầu tiên.

Ukraine muốn thay thế Nga cung cấp khí đốt tới EU

Tập đoàn năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz có kế hoạch tăng cường sản xuất khí tự nhiên và dịch chuyển sang nguồn năng lượng thay thế trong nước, từ đó tích trữ đủ nhiên liệu để cung cấp cho EU vào mùa nắng nóng năm sau,
Theo ông Yuriy Vitrenko, CEO của tập đoàn Naftogaz, Ukraine có thể sản xuất đủ khí đốt để thay thế nguồn cung từ Nga nếu nước này thu hút đầu tư và công nghệ từ các đối tác phương Tây. "Chúng tôi đang tiến hành một số dự án mới để có thể mở rộng sản xuất đáng kể ở Ukraine, tăng từ 10 - 30%", ông Vitrenko cho hay, đồng thời nói rằng tập đoàn này sẽ khai thác đá phiến và công nghệ khoan ngang để tăng sản lượng. Theo ông Vitrenko, tập đoàn Naftogaz cũng đang tìm cách chuyển các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sang chạy bằng các nhiên liệu sinh khối. Theo CEO này, Ukraine có tiềm năng sản xuất "khoảng 10 tỷ m3 năng lượng sinh khối", tương đương với lượng khí đốt Ukraine nhập khẩu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng kế hoạch mà ông Vitrenko nêu ra không thể thành công.

AN BÌNH