“Gà”, “cò” ở Gò Cà
(Cadn.com.vn) - Nhân cơ hội có gia đình lâm cảnh tang gia bối rối, những tay “cò” ở “phố vĩnh hằng” (Nghĩa trang Gò Cà, Đà Nẵng) ra sức lộng hành, bắt chẹt người dân. Một vấn nạn khá nóng đang diễn ra như cơm bữa khi mà thị trường “nhà đất” nơi đây mỗi ngày đang dần khan hiếm...
Viếng mộ gặp... cò
Nghĩa tử là nghĩa tận. Những người còn sống bằng mọi giá phải lo cho người nằm xuống một nơi yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Nhưng khi quỹ đất nghĩa trang đang ngày càng “bó” lại thì việc đặt được một chỗ không dễ chút nào. Giáp mặt cánh “cò” đất mộ tại khu nghĩa trang lớn bậc nhất của Đà Nẵng và Quảng Nam - nghĩa trang Gò Cà, chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân bị bắt chẹt một cách không thương tiếc.
Giữa tháng 7, trời nắng như muốn thiêu đốt thịt da. Tôi theo chân người thân đến nghĩa trang Gò Cà thắp nén nhang thành kính viếng người đã khuất. Không đợi xe dừng bánh, 3 tay “cò” tay cuốc tay liềm đứng tại con đường mòn dẫn vào khu chôn cất cán bộ bám theo “gà”: “Mua đất mộ không? Mua khu nào? Mua bao nhiêu mét?”. Dù đã nhận được những cái lắc đầu kèm câu trả lời “chúng tôi đi viếng mộ”, nhưng nhóm “cò” vẫn cố tình chào gạ thô thiển: “Vậy gia đình còn có người nào sắp qua đời nữa không thì cũng nên tính chuyện đặt một chỗ đi, chứ đất mộ dạo này mỗi ngày một hiếm rồi, vài tháng nữa không có mà mua đâu”.
Xong phần viếng mộ, tôi rời khỏi đoàn dạo quanh khu đất gần đó với ý định tìm hiểu thêm về vấn nạn mồi chài khó coi tại khu nghĩa trang này thì lập tức bị nhóm “cò” bám đuôi. Tôi bảo có nhu cầu mua đất mộ tại khu cán bộ, một tay “cò” đại diện ra giá ngay: 200.000 đồng/m2 (bình thường một phần đất mộ khoảng 15-20m2). Xây trọn gói, giá 14-16 triệu đồng/mộ, tùy theo vật liệu khách hàng chọn là đá ga-nít hay đá ga-tô.
Theo những tay “cò” này thì đất mộ mua bán có 2 loại, một loại là đất mộ “rin” (loại đất lo hậu sự lần đầu) và đất mộ “lô” đã qua sử dụng (mộ đã bốc). Nếu đồng ý với loại này, khách hàng sẽ được giảm giá từ 1-2 triệu đồng (tùy theo diện tích rộng, hẹp). Để có được bản hợp đồng bằng giấy viết tay, tất cả khách hàng có nhu cầu đều phải tuân theo một quy định bất khả kháng: Người bán kiêm luôn phần thi công và nhiệm vụ trông giữ mộ lâu dài...
Theo phản ánh của người dân, cách đây vài năm, mua một phần đất mộ rộng chừng 100m2 tại nghĩa trang này chỉ mất khoảng 4-5 triệu đồng, nhưng nay đã tăng gấp nhiều lần. Lý do “sốt đất” duy nhất họ được biết đến chỉ là diện tích nghĩa trang đang dần bó hẹp do nhu cầu sử dụng tăng cao. Cũng vì điều này mà “cò” đất mộ ngày một nhiều. Câu chuyện của bà L., trú Hòa Vang trong lần đến vệ sinh phần mộ cho chồng cũng khái quát lại phần nào hoạt động của những tay “cò” tại khu nghĩa trang này.
Những tay “cò” đang chỉ khu đất mộ và ra giá với phóng viên trong lần thực tế |
Bất lực với “cò”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày có tới hàng chục người từ TP Đà Nẵng đến tìm hiểu và mua đất ở “phố vĩnh hằng” này để dành lo việc hậu sự cho người thân. Biết nhu cầu, cánh “cò” đất luôn hiện diện cả ngày săn đón, gạ gẫm. Cũng vì giá quá cao nên nhiều người thuộc diện hộ nghèo không chịu nổi nên phải lặn lội vào tận các nghĩa địa ở Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Bàn để đặt chỗ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ngọc Thiên, quyền Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho hay: Vấn đề mua bán là do hai bên thỏa thuận, xã không thể quản lý được mà chỉ đảm bảo công tác ANTT khi có sự cố tranh chấp gây mất trật tự xảy ra. Một mặt, nhiều diện tích đất trước đây là đồi núi được các họ tộc khai hoang chôn mồ mả, trong khi đó từ trước tới nay dù đất nằm trên địa bàn xã nhưng chưa hề có một văn bản hay quyết định nào giao cho địa phương quản lý. Còn chuyện giá cả mà “cò” ép người có nhu cầu? Ông Thiên nói thẳng: Vấn đề giá cả xã không thể can thiệp được!
Liên quan đến vấn đề này, anh Võ Văn Mễ, nhân viên đội quản trang Sơn Gà (Gò Cà), bức xúc: Giá mộ mà các đối tượng cò mồi và một số chủ đất quanh khu nghĩa trang đưa ra bán cho người dân là quá cao. Trong khi đó, toàn bộ 19,5ha đất của thành phố mà đội đang trông giữ, quản lý còn tới hơn 1.000 phần đất phục vụ cho người dân khi có người ngã xuống nhưng do thiếu thông tin, người dân có nhu cầu đang bị chèn ép một cách không thương tiếc. Cũng theo anh Mễ, chỉ cần đến nghĩa trang thành phố xin giấy giới thiệu lên thì mỗi phần đất mộ người dân chỉ phải đóng 200.000 đồng.
Riêng việc xây mộ (dù đá ga-nít hay ga-tô) thì kinh phí cũng chỉ dao động từ 4-5 triệu đồng/mộ. Riêng phần chăm sóc, quét vôi hương khói, nếu gia đình nào có nhu cầu thì đội cũng đảm nhận, chăm sóc hộ. Còn chuyện rao bán ở các khu như khu cán bộ, khu B5-B7... như “cò” đã từng chào mời là vi phạm bởi đây là khu do đội quản trang quản lý nên không có chuyện người ngoài rao bán. Điều này, anh Mễ cũng khuyến cáo người dân không nên tin tưởng “cò” kẻo rồi phải lâm cảnh... tiền mất, tật mang!
Nói như vậy, do thiếu thông tin, lâu nay người dân đang bị lớp “cò” cũng như chủ đất ở các khu vực tại nghĩa trang này “móc túi” một cách không thương tiếc. Còn chính quyền địa phương cũng như các đơn vị chức năng thì lực bất tòng tâm.
Một góc nghĩa địa Gò Cà. |
Công Hạnh