Gã tài xế mê... gỗ lậu!

Thứ ba, 31/12/2013 11:09

(Cadn.com.vn) - Là tài xế xe tải nhưng Phạm Tèo (1969, trú thôn Nghĩa Bắc, xã Đại Nghĩa, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) không chịu làm ăn chân chính bằng nghề nghiệp của mình mà mong muốn đổi đời nhanh chóng bằng con đường làm ăn phi pháp.

Từ khi làm tài xế, Tèo đã “manh nha” ý định chở gỗ lậu để kiếm thêm thu nhập. Năm 2004, Tèo bị TAND H. Nam Giang xử phạt 6 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Sau khi ra tù, Tèo “tu tỉnh” được một thời gian rồi lại chứng nào tật nấy. Ngày 28-5-2013, Phạm Tèo lại bị Hạt Kiểm lâm H. Đại Lộc bắt quả tang về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép và bị phạt hành chính 7 triệu đồng.

Tưởng chừng sau những lần bị phát hiện vận chuyển gỗ trái phép Tèo “ớn”, nhưng xem ra chẳng “xi-nhê” gì. 8 giờ ngày 30-8, Phạm Tèo điều khiển ô-tô BKS 92C-03031 chở gạch từ xã Đại Nghĩa, Đại Lộc lên Nam Giang. Trên xe còn có anh Phạm Tuyên - phụ xe. Đến thôn Rô, xã Cà Dy, H. Nam Giang, sau khi bốc gạch xuống cho người dân, Tèo điều khiển xe quay về Đại Lộc. Trên đường đi thấy bên đường có một số người bán gỗ lậu, Tèo dừng lại mua 5,291m3 gỗ tròn và nhận chở 0,244m3 gỗ xẻ cho một người. Trên đường vận chuyển số gỗ trái phép trên đến dốc cua xá Tỵ, Thạnh Mỹ, TT Thạnh Mỹ thì bị CAH Giang bắt giữ.

Tại Văn bản kết luận định giá tài sản số 21/VBKL ngày 16-9-2013 Hội đồng định giá tài sản H. Nam Giang kết luận: Giá trị số gỗ trên xe của Phạm Tèo là 13,389 triệu đồng. Căn cứ vào tài liệu và chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT CAH Nam Giang đã đề nghị VKSND huyện truy tố bị can Phạm Tèo ra trước pháp luật theo khoản 1, điều 175 Bộ luật nước CHXHCN Việt Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. CAH Nam Giang cũng xác định chiếc xe tải mà Tèo sử dụng là của ông Nguyễn Văn Phước (Đại Lộc, Quảng Nam). Việc Phạm Tèo chở gỗ không liên quan đến ông Phước nên đã trao trả chiếc xe cho ông Phước và xác định phụ xe Phạm Tuyên không liên quan đến vụ việc.

Lần thứ 3 “dính” đến pháp luật, hy vọng Tèo sẽ “sợ” mà bỏ cái máu “mê gỗ lậu”.

Hà Dung