“Gặm nhấm” đất rừng
(Cadn.com.vn) - Khi giá gỗ nguyên liệu tăng cao, hiệu quả từ trồng keo cho thu nhập cao và ổn định. Cái lợi trước mắt đó đã khiến nhiều người dân các xã vùng trung du, miền núi H. Hòa Vang (Đà Nẵng) bất chấp pháp luật phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo lá tràm. Hậu quả, nhiều khoảnh rừng bị triệt hạ không thương tiếc, tạo nên những vệt rừng loang lổ...
Theo phản ánh, chiều 11-9, chúng tôi lên xã Hòa Phú tìm hiểu thực hư sự việc. Trò chuyện với mọi người, ai cũng khẳng định tình trạng phá rừng tại địa phương đã và đang diễn ra ngày một ngang nhiên, ráo riết như thách thức dư luận. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị dẫn đường vào những khu rừng bị phát lấn chiếm thì ai nấy đều lắc đầu từ chối(?)... Nài nỉ mãi, chúng tôi mới được anh H. (trú thôn Hòa Hải) nhận lời dẫn đường. Với lý do tìm bò thả rông trong núi, anh H. hướng dẫn chúng tôi thâm nhập Tiểu khu 58 sau hơn 1 giờ vừa chạy xe, vừa lội bộ. Trước mắt chúng tôi nhiều khoảnh rừng lau lách, rừng tạp xen lẫn các cây rừng có đường kính từ 15-30cm bị đốt cháy nham nhở. Nhiều mảng keo rộng lớn vừa mới trồng có màu sắc tương phản bên cạnh những cánh rừng hàng trăm năm tuổi... Tuy không ước tính được diện tích, nhưng theo anh H. các chủ hộ phát rừng vừa trồng không dưới 50 ngàn cây keo con.
Làm việc với địa phương, chúng tôi được biết liên quan đến việc phát rừng trái phép tại Tiểu khu 58, lực lượng chức năng đã lập biên bản đình chỉ các hộ dân Nguyễn Văn Chiểu (thôn Hòa Hải), Nguyễn Thanh Lai (thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú), Lê Văn Hòa, Lê Văn Sa (thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú). Trong đó, ông Chiểu, Lai là người trực tiếp lao động, còn ông Hòa, Sa được ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú) thuê lao động từ ngày 28-6 đến 19-7 với tổng cộng 40 công, mỗi công được trả 200 ngàn đồng... Tất cả vụ việc đều bị phát hiện từ giữa tháng 7 nhưng khi chúng tôi tiếp cận, ông Ngô Trường Trung (kiểm lâm địa bàn) mới cho biết, sẽ phối hợp với UBND xã kiểm tra hiện trường, dùng máy tọa độ xác định diện tích thiệt hại cụ thể để làm cơ sở xử lý vi phạm.
Ngọn đồi trồng keo nham nhở bên cạnh khu rừng nguyên sinh. |
Được biết, thời gian qua, trên địa bàn Hòa Vang liên tiếp xảy ra các vụ phát lấn chiếm đất rừng gây ảnh hưởng tới tình hình ANTT, sinh thái môi trường. Cụ thể, ngày 19-6, Cơ quan CSĐT CAH Hòa Vang khởi tố, bắt giam bị can Trịnh Kim Hùng (trú P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu) về hành vi hủy hoại 5,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Cu Đê (xã Hòa Bắc) để làm trang trại. Ngày 6-6, TAND H. Hòa Vang tuyên phạt bị cáo Thái Văn Hiệp (trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) 36 tháng tù về tội hủy hoại 2,6ha rừng phòng hộ hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) để mở rộng diện tích trồng keo... Những sự việc này đã phần nào cho thấy công tác phối hợp chưa hiệu quả giữa các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng và người dân vẫn còn thiếu ý thức trong việc giữ rừng.
Thực trạng đáng quan ngại trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, nhất là trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng. Một số địa phương chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là công tác bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên. Công tác kiểm tra, xác lập hồ sơ các vụ phá rừng tại địa phương chưa kịp thời, chưa có biện pháp ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng. Trong lúc đó, các vụ phá rừng chủ yếu liên quan đến người dân địa phương, nhưng việc phát hiện tìm ra đối tượng gặp rất nhiều khó khăn...
Gốc cây rừng có đường kính 30cm bị triệt hạ. |
Thiết nghĩ, để quản lý và phát triển rừng hiệu quả, thời gian đến, H. Hòa Vang cần phải huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt là nhân dân. “Tai mắt nhân dân” nếu được phát huy tác dụng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Và, một khi người dân nhận thức được vai trò của rừng đối với môi trường sống, họ sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân; tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, trên tinh thần từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch với Hạt KL huyện kiểm tra, xử lý triệt để những vụ việc vi phạm ngay từ cơ sở. Có như vậy mới từng bước ngăn chặn được tình trạng “gặm nhấm” tài nguyên rừng, trả lại sự bình yên vốn có cho các cánh rừng.
An Dương