Game online - từ bàn phím ra đường phố

Thứ ba, 13/10/2015 13:21

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh TT-Huế xảy ra nhiều vụ án cướp giật, chém người, trộm cắp... do các đối tượng nghiện game online thực hiện. Tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng và nó thực sự là hồi chuông cảnh báo với tất cả các gia đình và toàn xã hội.

Lên cơn là gây án

Ngày 2-10, Phòng CSĐTTP về TTXH CA tỉnh TT- Huế bắt giữ Huỳnh Văn Bảo (1999), Nguyễn Văn Dũng (1996, cùng trú P. Phú Hậu) và Lê Văn Dũng (1998, trú P. Phú Hiệp, TP Huế) về hành vi trộm cắp tài sản. Tại cơ quan CA, 3 đối tượng khai nhận, sau khi chơi game từ sáng đến chiều hết sạch tiền mà vẫn chưa đã nên bàn bạc đi trộm để có tiền chơi tiếp. Chúng chạy xe máy ngược ra hướng Quảng Trị, khi ngang nhà của bà Trương Thị Quý M. (trú P. Hương Toàn, TX Hương Trà, TT-Huế), thấy nhà khóa cửa, chúng quyết định "dừng chân" tại đây. Bảo và Nguyễn Văn Dũng cạy cửa, đột nhập nhà, còn Lê Văn Dũng đứng ngoài cảnh giới. Các đối tượng lấy trộm 1 ĐTDĐ Iphone 5, 1 ĐTDĐ Nokia, 1 xe đạp địa hình và 22 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được số tài sản này, chúng đem tiền đi mua card game và trên đường đưa tang vật đi bán thì bị các TSHS bắt giữ.

Theo khai nhận, 3 đối tượng bỏ học từ nhỏ và nghiện game hơn 2 năm nay. Cũng vì để có tiền chơi game, 3 đối tượng này còn gây ra một số vụ trộm cắp vặt khiến người dân nơi các đối tượng cư trú rất bức xúc. Trong số này, Huỳnh Văn Bảo là đối tượng vừa bị bắt về hành vi "Trộm cắp" và được CA cho tại ngoại thì tiếp tục gây án.

Nhóm đối tượng nghiện game (trái), trên đường đi trộm thì bị CAP An Cựu (TP Huế) bắt giữ.

Mới đây, trong lúc tuần tra đêm, CAP An Cựu (TP Huế) phát hiện, tạm giữ nhóm đối tượng có nhiều nghi vấn gồm Hoàng Đô, Trần Quang Sang (1999), Lê Kiệt, Nguyễn Đức Tiến, Lê Quang Trường (2001), Ngô Văn Lượng (1997), Trần Văn Minh (2002, đều trú P. An Cựu, TP Huế). Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, bỏ học sớm, thường xuyên tụ tập chơi game tại các quán Internet và khi không có tiền tiêu xài thì nảy sinh trộm cắp tài sản. Chúng dùng kìm cộng lực để cắt khóa trộm xe máy hoặc lợi dụng các khu trọ, nhà dân sơ hở không khóa cửa thì đột nhập trộm tài sản. Nhóm này đã thực hiện hàng loạt vụ trộm trên địa bàn TP Huế, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Để có tiền "cày" game, mới đây, Lê Trần Thành Trung (1998, trú P. An Tây, TP Huế) đã gây ra 9 vụ trộm, chiếm đoạt 110 triệu đồng. Quá trình làm việc với cán bộ điều tra, Trung khai: "Nếu em không nghiện game thì hôm nay em sẽ không ngồi trong nhà tù".

Bộ ba Hoàng Quốc Vũ (1992, trú Quảng Bình), Huỳnh Ngọc Nhật Quang (1994) và Huỳnh Ngọc Rin (1995, trú H. Phú Vang, TT-Huế) thực hiện hơn chục vụ trộm cắp xe máy để có tiền "cày" game online. Mỗi chiếc xe lấy trộm được, nếu có giấy tờ, chúng cầm 10-13 triệu đồng, xe không có giấy tờ thì cầm 3-5 triệu đồng. Theo lời khai của các đối tượng, những lúc "khát" game mà không có tiền thì chúng lên kế hoạch "bợ" xe, sau đó đến tiệm Internet gán nợ để chơi game thâu đêm suốt sáng.

Để có tiền chơi game, các đối tượng không chỉ gây ra các vụ trộm cắp mà chúng còn cướp, cướp giật, chém người… Vụ việc Phạm Viết Sang (1985, trú đường Đặng Huy Trứ, TP Huế) dùng dao đâm mẹ là bà Nguyễn Thị M. (65 tuổi) để lấy tiền chơi game vừa qua khiến dư luận bất bình. Dù hoàn cảnh khó khăn, chồng qua đời sớm nhưng bà M. vẫn cố nuôi Sang ăn học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, thay vì tiếp tục học tập hoặc kiếm nghề mưu sinh thì Sang lao vào game online như con thiêu thân. Bao nhiêu tiền bạc bà M. dành dụm được đều lần lượt "đội nón ra đi". 2 giờ hôm đó, sau khi trở về từ quán Internet, Sang đòi tiền nhưng bà M. nói không thì đối tượng cầm dao rượt đuổi mẹ chạy khắp nhà. Bà M. bị vấp ngã, Sang đâm nhiều nhát vào vùng đầu, mặt, vai của mẹ rồi lấy đi một lắc vàng cùng 11 triệu đồng.

Vì không xin được tiền "nuôi" game, Phạm Viết Sang (ảnh)
dùng dao chém mẹ trọng thương.

Cần sự chung tay

Anh N.Đ.T. (trú đường Trần Quang Khải, TP Huế) có cháu H. (học lớp 10 Trường THPT Cao Thắng) cho biết, từ năm lớp 7, gia đình phát hiện H. có biểu hiện nghiện game. Từ tiền ăn sáng đến tiền chi tiêu, tiền nộp học, H. đều "nướng" sạch vào game online. Gia đình cũng đã bắt gặp cháu nhiều lần tại quán game và sau đó về nhà cũng dạy dỗ, khuyên can, thậm chí roi vọt nhưng hôm sau cháu lại tiếp tục có mặt tại quán game. "Nhà khó khăn, vợ làm công nhân, còn tui đi làm thợ sắt nên không thể ngày nào cũng bỏ việc theo cháu được. Vẫn biết là cháu nghiện game nhưng khuyên mấy cháu cũng không nghe. Tui sợ cháu theo bạn bè, không có tiền chơi game rồi làm chuyện tầm bậy…" - anh N.Đ.T. thổ lộ.

Hiện trên địa bàn tỉnh TT-Huế có gần 1.000 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử. Khoảng 1 năm trở lại đây, cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có chiều hướng gia tăng và nó đã tạo nên những hệ lụy nhất định. Trong 6 tháng đầu năm 2015, thanh tra Sở TT- TT tỉnh TT-Huế tổ chức kiểm tra 54 cơ sở, phát hiện 28 cơ sở vi phạm, xử phạt 65,7 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là vi phạm mở cửa quá giờ quy định.

Theo một bác sĩ tâm lý thì người nghiện game thường cảm xúc không ổn định. Cũng như nghiện ma túy, người nghiện game online có trạng thái phấn khích khi chơi game. Nhưng trạng thái này nhanh chóng chuyển thành thất vọng. Trạng thái thất vọng có thể chỉ tồn tại trong lúc chơi game, nhưng cũng có thể tồn tại cả ngày. Do không đạt kết quả như mong muốn khi chơi game, do xa lánh các vấn đề thực của cuộc sống, bị gia đình và bạn bè chê trách, nhiều người nghiện game tỏ ra bi quan, chán nản và thường tìm lối thoát tiêu cực.

Thượng tá Võ Xuân Thiện - Đội trưởng Đội CSĐTTP về TTXH CATP Huế nói, các đối tượng nghiện game gây án đang là thực trạng nhức nhối. Hầu hết đối tượng gây án đều trẻ tuổi, bỏ học sớm, ăn chơi lêu lổng, không nghề nghiệp… Thượng tá Võ Xuân Thiện nhấn mạnh, để hạn chế tối đa các loại tội phạm xuất phát từ nguyên nhân nghiện game thì cần sự chung tay từ nhiều phía. Đối với cơ quan quản lý về lĩnh vực CNTT, chính quyền địa phương phải siết chặt, cần thay đổi thời gian đóng, mở cửa phù hợp và các đoàn kiểm tra phải tăng cường thường xuyên. Ngoài ra, nhà trường cần phải giáo dục, tuyên truyền cho các em tác hại của việc chơi game quá nhiều và cùng với đó gia đình phải đặc biệt quan tâm, quản lý con em…

H.Lan