Gần 300 triệu học sinh nghỉ học, UNESCO quan ngại

Thứ sáu, 06/03/2020 15:32

Gần 300 triệu học sinh trên toàn thế giới đã phải ở nhà trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang gồng mình chống dịch Covid-19, với Italia là quốc gia mới nhất đóng cửa các trường học do virus chết người Corona mới, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi một cuộc tổng tấn công chống lại dịch bệnh.

Ở Nhật Bản, gần như tất cả các trường học đều đóng cửa đến hết tháng 3 và kỳ nghỉ xuân vào đầu tháng 4.   Ảnh: AFP

Italia - quốc gia mới nhất ra lệnh đóng cửa các trường học

Theo AFP, tính đến ngày 5-3, hơn 95.000 người bị nhiễm bệnh và hơn 3.200 người đã chết vì virus này, trong khi khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có ca nhiễm. Tại bang California của Mỹ, Thống đốc Gavin Newsom đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau ca tử vong đầu tiên do Covid-19 - nâng số người chết ở Mỹ lên 11 - và một tàu du lịch đã bị cách ly ngoài khơi sau khi một số hành khách và thành viên phi thủy thủ đoàn được xác nhận nhiễm bệnh.

Hầu hết các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh trên toàn cầu là ở Trung Quốc, nơi virus này xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, khiến nước này phải cách ly toàn bộ thành phố Vũ Hán, tạm thời đóng cửa các nhà máy và đóng cửa trường học vô thời hạn. Khi virus đã lây lan, các quốc gia khác cũng đã thực hiện các biện pháp phi thường, trong đó Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cho biết, 13 quốc gia đã đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến 290,5 triệu trẻ em, trong khi 9 quốc gia khác đã thực hiện đóng cửa cục bộ.

Mặc dù việc đóng cửa trường học tạm thời trong các cuộc khủng hoảng không phải là mới, giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, "quy mô và tốc độ của lần nay là quá lớn và, nếu kéo dài, có thể đe dọa hệ thống giáo dục". Italia là quốc gia mới nhất đã ra lệnh đóng cửa các trường học và trường đại học cho đến ngày 15-3, trong bối cảnh số người chết ở quốc gia này tăng lên 107, đánh dấu ổ dịch chết người nguy hiểm nhất bên ngoài Trung Quốc. Hàn Quốc - quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất ngoài Trung Quốc với gần 6.000 người - đã hoãn học kỳ tiếp theo cho đến ngày 23-3. Tại Nhật Bản, gần như tất cả các trường học đều đóng cửa sau khi Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi nghỉ học cho đến hết tháng 3 và kỳ nghỉ xuân, dự kiến vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4.

Mối lo kinh tế

Bộ trưởng Y tế Đức cho biết dịch bệnh bùng phát hiện là "đại dịch toàn cầu" - thuật ngữ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngừng sử dụng - có nghĩa là virus này đang lan rộng ở khắp nơi trên thế giới.

Hàng ngàn người đã bị mắc kẹt trên du thuyền Grand Princess ở ngoài khơi bờ biển California từ hôm 4-3 khi các quan chức tổ chức cách ly để thực hiện thử nghiệm dịch Covid-19. Một người đàn ông 71 tuổi, đã từng ở trên du thuyền này trong chuyến đi trước đến Mexico đã tử vong do Covid-19. Số ca nhiễm hiện đang gia tăng nhanh hơn ở nước ngoài so với tại Trung Quốc, nơi có thêm 31 ca tử vong và 139 ca mới được báo cáo hôm 5-3. Số người chết của Trung Quốc hiện ở mức 3.012, với hơn 80.000 ca nhiễm. Các phóng viên của AFP thậm chí đã nhìn thấy một số ít người quay trở lại Vũ Hán, thành phố bị cách ly ở trung tâm của dịch bệnh, tại nhà ga xe lửa trong tuần này. Bắc Kinh hiện đang lo ngại về việc nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, với 20 ca nhiễm mới từ nước ngoài đến, bao gồm cả Italia và Iran – khiến nước này yêu cầu những người đến từ các quốc gia có dịch phải tự cách ly. Nhật Bản hôm 5-3 tuyên bố, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến nước này vào đầu tháng 4 tới đã bị hoãn vì dịch bệnh là "thách thức lớn nhất" đối với hai nước. Trong một tuyên bố sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Nhật Bản vào một thời điểm thích hợp nhất.

Thị trường chứng khoán ầm ầm lao dốc vì lo ngại suy thoái kinh tế, nhưng cổ phiếu Châu Á đã tăng điểm vào ngày 5-3 sau sự đột biến trên Phố Wall bởi các biện pháp kích thích toàn cầu. IMF cho biết họ đã cung cấp 50 tỷ USD viện trợ cho các nước có thu nhập thấp và thị trường mới nổi để chống lại dịch bệnh, đây vốn là "mối đe dọa nghiêm trọng" sẽ làm chậm tăng trưởng toàn cầu xuống dưới 2,9%. "Vào thời điểm không chắc chắn... tốt hơn là làm nhiều hơn", Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva nói, gọi dịch bệnh "là vấn đề toàn cầu cần phản ứng toàn cầu". Tại Mỹ, các nghị sĩ đã đạt được thỏa thuận cung cấp hơn 8 tỷ USD để chống lại dịch bệnh.

KHẢ ANH