Gần 500 hộ dân thấp thỏm vì sạt lở

Thứ năm, 15/05/2014 09:35

(Cadn.com.vn) - Gần 500 hộ dân bên bờ sông Ba thuộc xã Sơn Hà và thị trấn Củng Sơn, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) phải sinh sống, sản xuất nhiều năm trong tình trạng nơm nớp lo sợ nước lũ uy hiếp, sạt lở bờ ngày càng nặng.

Mất đất từng ngày

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND H. Sơn Hòa cho biết, tình trạng sạt lở ở khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn và thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà liên tục diễn ra hơn 10 năm qua. Hàng năm, khi mùa mưa đến, nhất là lúc Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ thì nước dâng rất nhanh, xâm thực vào đất liền từ 2 đến 3m, có nơi 5m, "ăn" mất hàng chục héc-ta đất sản xuất của dân.

Dẫn chúng tôi men theo bờ sông Ba mùa nước cạn, ông Lê Như Phong (trú xóm Vườn, khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn) than thở: "Trước đây, bờ sông cách xa hàng trăm mét, nay đã ăn sâu vào đất của gia đình tôi và bà con trong xóm hơn 100m, cuốn luôn bụi tre hơn 100 năm tuổi. Lo sợ, nhiều gia đình phải di dời nhà đi nơi khác ở. Đến mùa sản xuất, nếu còn đất mới quay lại canh tác, còn không cũng đành ngậm ngùi". Theo ông Phong, xóm Vườn có khoảng 200 hộ, nhưng có đến 37 hộ bị ảnh hưởng nặng.

Trong khi đó, tại xóm bãi Điều, khu phố Trung Hòa, thực trạng sông Ba "tấn công" đất sản xuất càng nghiêm trọng hơn. Theo quan sát của chúng tôi, dọc bờ sông Ba hầu như khu vực nào cũng xuất hiện hàng trăm mét tường đất cao từ 5 đến 10m dựng đứng, nham nhở. Ông Huỳnh Văn Cường, có nhà ở xóm Bãi Điều, khu phố Đông Hòa, cách bờ sông bị xâm thực chừng hơn 50m lo lắng: "Từ Bãi Điều xuống thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà dọc theo bờ sông dài khoảng 4km, rất nhiều đoạn bị sạt lở, nhưng nặng nhất là khu vực thị trấn Củng Sơn. Nguyên nhân chính là do hai họng nước lũ của Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh nhập lại trên sông Ba".

Đông Hòa có hai khu dân cư bị sạt lở nặng nhất là xóm Vườn (37 hộ) và xóm Bãi Điều (73 hộ). Vào mùa mưa lũ, chính quyền và người dân phải trực cả ngày lẫn đêm để thông báo cho người dân biết mức xả lũ của nhà máy thủy điện. Nếu nhà máy thông báo xả lũ với lưu lượng 6.000m3/s thì bà con phải chủ động di dời nhà cửa, chuồng trại chạy lũ, đến nơi khác để đảm bảo an toàn.

Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Ba, đoạn chảy qua xóm Bãi Điều,
khu phố Đông Hòa, TT Củng Sơn.

Bao giờ mới có dự án?

Được biết, năm 2012 UBND tỉnh Phú Yên cho phép địa phương này lập hai dự án xây dựng khu định cư để di dời gần 500 hộ dân sinh sống ven sông Ba, với dự toán kinh phí khoảng 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, do địa phương còn khó khăn, trong khi đó tỉnh chưa cân đối được nguồn vốn nên đến nay hai dự án trên vẫn phải "chờ"!.

Giải quyết thực trạng trên, từ tháng 11-2013, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn di dời dân cư vùng sạt lở sông Ba. Tuy nhiên sau đó Bộ này trả lời: "Việc đầu tư dự án bố trí, di dời dân cư vùng sạt lở sông Ba, thị trấn Củng Sơn là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn 6 dự án bố trí dân cư đang được đầu tư dở dang với tổng vốn ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ là 25 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm (2014-2015), chương trình bố trí dân cư hỗ trợ cho tỉnh khoảng 11 tỷ đồng. Với số vốn này, chưa đủ để bố trí cho các dự án đang được đầu tư mở rộng. Do vậy, không có vốn cho dự án bố trí, di dời dân cư vùng sạt lở sông Ba, thị trấn Củng Sơn".

Như vậy, không biết đến bao giờ người dân thị trấn Củng Sơn mới có cuộc sống ổn định, đó là chưa nói đến người dân thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà. Điều này đồng nghĩa với hàng trăm hộ dân sinh sống, sản xuất dọc sông Ba vẫn phải đối mặt "dài dài" với hiểm nguy bởi sự uy hiếp ngày càng dữ tợn của dòng sông Ba, nhất là vào mùa mưa lũ.

UBND H. Sơn Hòa vẫn đang nỗ lực tìm mọi giải pháp nhằm giải quyết tình thế trước mắt trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên, theo dự kiến của địa phương này, sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới triển khai được một dự án, di dời hơn 200 hộ dân. "Mặc dù dự án chưa triển khai, nhưng chúng tôi đã quy hoạch đất ở, khuyến khích bà con đến nơi ở mới. Bước đầu, đã có 23 hộ ở xã Sơn Hà và 18 hộ ở TT Củng Sơn chủ động di dời", ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND H. Sơn Hòa, nói.

Thiết nghĩ, nguyện vọng của người dân là vô cùng chính đáng và hết sức cấp thiết. Vì vậy, các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm, ưu tiên nguồn vốn để xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba. Trước mắt, sớm thực hiện hai dự án di dân để đảm bảo an toàn tính mạng, đất sản xuất cho người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Nam