Găng tay hỗ trợ phục hồi cho người đột qụy
Đào Duy Anh – thành viên của nhóm nghiên cứu cho hay, xuất phát từ thực tế mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mới. Tuy nhiên, phần lớn các ca bệnh này đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự tập phục hồi chức năng. Các bệnh nhân đều phải nhờ đến sự chăm sóc, hỗ trợ của bác sĩ nên rất tốn thời gian, công sức và bất tiện khi phải lui tới bệnh viện nhiều lần. “Mong muốn giúp các bệnh nhân tháo gỡ được những khó khăn đó, đồng thời giúp họ có thể dễ dàng tự tập phục hồi chức năng đạt hiệu quả cao tại nhà, chúng mình đã nảy ra ý tưởng sẽ nghiên cứu chế tạo nên một chiếc găng tay hỗ trợ người bị đột qụy”, Duy Anh nói.
Nghĩ là làm, nhóm nghiên cứu bắt đầu khảo sát nhu cầu thực tế của người dùng và quan sát quá trình điều trị, phục hồi của người bệnh. Sau đó, nhóm bỏ thời gian cùng nhau ngồi lại để hiện thực hóa ý tưởng. Quá trình triển khai, nhóm luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dùng để từng bước hoàn thiện sản phẩm. Cuối cùng, sau gần 5 tháng mày mò nghiên cứu, sản phẩm “Găng tay phục hồi chức năng cũng ra đời”.
Theo các thành viên nhóm, sản phẩm gồm 5 ngón tay mềm được làm từ vật liệu silicon và hoạt động dựa trên lực khí nén. Khi bơm, khí hoạt động làm áp suất trong các ngón tay tăng lên, ngón tay mềm co lại, từ đó tạo nên chuyển động nắm cho người bệnh. “Những người bị đột quỵ rất khó khăn trong việc cử động chân tay nên sản phẩm sẽ từng bước giúp bệnh nhân kích thích khả năng vận động. Sản phẩm được xem như là chiếc máy massage hỗ trợ người bệnh hồi phục các chức năng của đôi bàn tay. Quá trình nghiên cứu sản phẩm, nhóm có thiết kế găng tay dưới dạng hở lòng bàn tay để khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm vào phần da của lòng bàn tay nhằm kích thích xúc giác. Ngoài ra, sản phẩm có thiết bị điều khiển, người dùng có thể tự thao tác chọn các chế độ tập và cường độ tùy vào nhu cầu sử dụng”, Duy Anh cho biết.
Khi tham gia vào các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sản phẩm “Găng tay phục hồi chức năng” được đánh giá cao nhờ khả năng ứng dụng thực tế. Theo hội đồng khoa học, nếu được xã hội hóa, sản phẩm sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi. “Trung bình mỗi sản phẩm hoàn thành sẽ mất từ 4,5 đến 5 triệu đồng. Đây là mức giá tương đối thấp so với các sản phẩm ngoại nhập đang có mặt trên thị trường. Thời gian tới, nhóm sẽ tập trung nghiên cứu để sản phẩm ưu việt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn nữa để có thể hỗ trợ tốt nhất cho những bệnh nhân đột quỵ”, Duy Anh chia sẻ.
THÀNH DANH