Gặp gỡ ê kíp làm phim "Con đường giác ngộ"

Thứ bảy, 17/05/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - Liên hoan phim (LHP) Vesak quốc tế diễn ra tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) vừa công bố, ở thể loại truyền hình, phim Con đường giác ngộ (4 tập, kịch bản: Đỗ Tài, đạo diễn: Công Hậu) đoạt giải nhất. Đây là lần đầu tiên mùa Vesak tại Việt Nam thực hiện được thông điệp từ bi, hòa ái, bình đẳng của Đức Phật qua nghệ thuật điện ảnh. Đêm 10 và 11-5 vừa qua, ê-kíp làm phim "Con đường giác ngộ" đã có chương trình giao lưu, chia sẻ với khán giả Đà Nẵng tại các chùa Tam Bảo, chùa Quan Âm về việc thực hiện bộ phim này.  

Từ phải qua: nhà biên kịch Đỗ Tài, diễn viên Tuấn Phương và đạo diễn Công Hậu
(ngoài cùng) tại buổi giao lưu với khán giả Đà Nẵng.

Nhà biên kịch ĐỖ TÀI:

Đề tài ấp ủ từ thời niên thiếu

Nhà biên kịch Đỗ Tài, vốn là một họa sĩ, dạy vẽ và hoạt động mỹ thuật tại TP Đà Nẵng từ 20 năm trước. Sau khi vào TPHCM, anh bắt đầu làm quen với thiết kế sân khấu, biên tập phim... Năm 2004, Đỗ Tài viết kịch bản đầu tiên bộ phim Hương cỏ dại (33 tập, đạo diễn Quốc Thịnh). Đến nay anh đã viết kịch bản gần 20 bộ phim. Đỗ Tài cho biết: "Con đường giác ngộ là một đề tài tôi ấp ủ từ thời niên thiếu. Trong lần đến một chùa tại Núi Dinh (Bà Rịa- Vũng Tàu) để tu gieo duyên (khoảng 3 tháng), tình cờ đọc được quyển sách "Phật và Thánh chúng", tôi đã quyết tâm phải thực hiện phim này. Đầu tiên, tôi lấy tên kịch bản phim là "Nẻo về của Phật".

Qua nghiên cứu, góp ý của nhiều người phim mới có tên như bây giờ. Thượng tọa Thích Chân Tính-trụ trì chùa Hoằng Pháp sau khi đọc kịch bản phim cũng như nhờ sự thẩm định của một số chư tăng ni, Phật tử, nhận thấy đây là một kịch bản hay và có ý nghĩa, nên đã quyết định sản xuất bộ phim". Theo Đỗ Tài, phim đã hệ thống cho người xem các điểm mốc lịch sử quan trọng của Phật và Thánh chúng, được xem là một tư liệu nghệ thuật bổ ích cho những ai mới bước  đầu học Phật...

Trả lời cảm tưởng trước tin vui về việc phim "Con đường giác ngộ" đoạt giải nhất ở thể loại truyền hình tại LHP Vesak, Đỗ Tài nói: "Kết quả này có được ngoài sự nỗ lực, hết mình của ê kíp làm phim, cần phải ghi nhận sự quan tâm, đóng góp ý kiến của bà con Phật tử, khán giả gần xa. Qua đó, những người thực hiện đã lắng nghe, điều chỉnh kịp thời để phim được thể hiện một cách tốt nhất".

Đạo diễn CÔNG HẬU:

Cái duyên với Phật

Công Hậu là một trong những diễn viên cùng thế hệ với Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Ngọc Hiệp, Mộng Vân... Khi thời hoàng kim của dòng phim thị trường qua đi, nhiều diễn viên ngôi sao đã ngừng nghiệp diễn thì Công Hậu vẫn miệt mài, thủy chung, mỗi năm nhận đều đặn năm, bảy dự án phim truyền hình dài tập với nhiều vai diễn. Thế nhưng, Công Hậu cho rằng, không hiểu sao khán giả lại vẫn thường nhớ anh trong vai Phật Thích Ca ở phim Ánh đạo vàng cách đây 16 năm. Có lẽ đó là cái duyên của anh với Phật nên được chùa Hoằng Pháp tin tưởng giao cho vai trò đạo diễn bộ phim Con đường giác ngô.

Công Hậu cho biết, từ khởi đầu đến khi hoàn thành phim tròn 11 tháng. Bộ phim có sự tham gia nhiệt tình của hàng ngàn Phật tử với gần 10 cảnh quay đại cảnh ở các vùng khô cằn nắng gió của Bình Thuận... Tuy kinh phí thâm thủng không nhỏ nhưng với kết quả đem lại là được khán giả, bà con Phật tử đón nhận ủng hộ, và đặc biệt là cái tin vui từ LHP Vesak là một niềm an ủi lớn với anh. Công Hậu nói: "Là đạo diễn bộ phim này, chính tôi còn bị bất ngờ trước năng lực diễn xuất bỗng dưng thăng hoa của các bạn trẻ khi vào các vai thử thách trong Con đường giác ngộ. Có thể do tính nhân văn của bộ phim từ nhiều câu chuyện xúc động về Đức Phật, những trăn trở về khát vọng giải thoát và lý tưởng mong cầu cuộc sống bình an đã khiến họ có thêm lửa diễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".

Diễn viên TUẤN PHƯƠNG:

Nhập thân vai Phật vừa mừng, vừa lo...

Là một gương mặt trẻ quen thuộc trên màn ảnh truyền hình qua các bộ phim Gia đình sóng gió, Nợ đa tình, Thời gian không chờ đợi, Trăng khuyết..., diễn viên Tuấn Phương may mắn hơn khi được công chúng và Phật tử  yêu mến sau khi hoàn thành vai Thích ca Mâu Ni trong phim Con đường giác ngộ. Nhiều người nhận định, với gương mặt phúc hậu, đôi mắt trong trẻo, nụ cười ấm áp, phong thái điềm đạm, khí khái chân thành của anh khi nhập thân vào vai Đức Phật như một sự đặt để của cơ duyên. Xuất thân trong một gia đình nghèo ở Long An, thấy anh có vóc dáng cao ráo và năng khiếu văn nghệ, bạn bè rủ lên TPHCM học làm người mẫu.

Đúng vào thời điểm đó, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM đang tuyển sinh, vậy là anh nộp đơn thi và trúng tuyển. Ra trường, Tuấn Phương đầu quân về sân khấu Thế Giới Trẻ may mắn khi được nhận những vai diễn tốt. Tuấn Phương cho biết, ở phim Con đường giác ngô, ban đầu anh được chọn đóng vai diễn khác, nhưng gần đến ngày khởi quay, cơ duyên thế nào đó mà đạo diễn đã quyết định chọn anh đóng vai Đức Phật. Tuy vui mừng nhưng Tuấn Phương khá lo lắng, hồi hộp vì sợ không hoàn thành tốt vai diễn. Nhân vật nguyên mẫu của phim là Đức Phật Thích Ca có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Mỗi bước đi như sen nở tỏa hương thơm với ánh từ quang trí tuệ.  Để vào vai Đức Phật, anh phải vào ở chùa 4 tháng để ăn chay, đọc kinh, niệm Phật, học lễ... như một nhà sư.

Trần Trung Sáng (thực hiện)