Gặp gỡ “Trong những lời yêu thương”

Thứ hai, 13/08/2018 09:54

Trong những lời yêu thương, tập thơ mới nhất của Đinh Thị Như Thúy (Nhà xuất bản Hội nhà văn) dày gần 190 trang, với gần 50 bài thơ, phần lớn là thơ xuôi và thơ tự do. Đây là một trong những tác phẩm được bình chọn của các tác giả văn học Việt Nam hiện đại thực hiện theo kế hoạch sách Nhà nước đặt hàng hằng năm để giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy sinh ra tại Huế, lớn lên tại Đà Nẵng. Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt và dạy học tại Krông Pắc, Đắc Lắc, từ năm 2012, chị chuyển về công tác ở Hội Liên hiệp VHNT TP Đà Nẵng. Đã in: Cùng đi qua mùa hạ (2005), Phía bên kia cây cầu (2007), Ngày linh hương nở sáng (2011). Ngoài giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011, chị còn đoạt giải nhất Thơ Làng Chùa lần hai, năm 2012, với chủ đề "Thơ ca và nguồn cội" với tác phẩm Nơi ngày đông gió thổi. Từng biết Đinh thị Như Thúy là một trong những cây bút nữ có những bài thơ rất xuất sắc về Tây Nguyên nhưng đến khi chị chuyển công tác về Đà Nẵng, vào một dịp sinh hoạt giao lưu đón đoàn văn nghệ Đắc Lắc ghé thăm vài năm gần đây, tôi mới thực sự bất ngờ được biết những câu thơ của chị: “...Và nước đã thấm sâu / Nước đã đẫm từng cọng non mềm của rễ / Dâng lên đi dòng nhựa trắng/  Dâng lên đi mùa hoa trắng/ Dâng lên dâng lên bung từng chùm / Trắng như áo lụa Trắng như mây trắng/ Trắng như nụ cười/ Không nói tỏa hương mà nói là mê hoặc / Không nói đẹp mà nói là kỳ diệu/ Không nói ngắm nhìn mà nói là ngất ngây/ Suốt một ngày chạy đuổi/ Suốt một ngày hai tay dang rộng/ Chỉ cây tiếp cây hoa tiếp hoa đến tận chân trời/ Hoa không nói lời hoa/ Chỉ trắng như một niềm vui sướng/ Và gió và ong và bướm/ Mang hoa về muôn nơi /Và trên hoa lộng lẫy nắng trời (Trong mùa tưới rẫy).

Thơ của Thúy cảm xúc nhẹ nhàng, nhưng thật đắm say, như một dòng chảy miên man, hướng về phía chân trời... Theo cách nhận xét của Đặng Bá Tiến: “Hình như khi làm thơ chị không quan tâm nhiều đến tứ thơ mà chỉ quan tâm đến những nỗi niềm, những cảm xúc và chị giãi bày bằng một lối viết miên man suy cảm, lớp lớp hình ảnh khi trực diện, khi mờ ảo xa xôi, theo nhiều kiểu cấu trúc, có khi theo trục tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tế đến ý tưởng, có khi là sự đồng hiện giữa hữu hình và vô hình, giữa ý thức và vô thức, với rất nhiều liên tưởng giao thoa, “chồng sóng”; từ đó lảy ra, gợi ra những điều mà chị đang băn khoăn, trăn trở và ai đó có thể cùng thông cảm, sẻ chia”.

Thật vậy, tính từ tập thơ thứ nhất (Cùng đi qua mùa hạ-2005) đến nay (Trong những lời yêu thương- 2018) trải qua một chặng đường dài 13 năm, dù đã không ngừng thể nghiệm, khai phá với nhiều chủ đề khác nhau nhưng gần như người đọc vẫn dễ dàng nhận ra phong cách rất riêng, không thể nhầm lẫn của Đinh Thị Như Thúy. Bởi thế giới thơ ca của chị chừng chứa đựng cả một không gian thiên nhiên trong lành, lấp lánh sắc màu, dù đôi lúc có sự trộn lẫn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thực và ảo, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa ám ảnh và khát vọng...

Thật thú vị khi đắm hồn cùng những cơn mưa của Thúy:  “Vẫn nghe tiếng mưa rì rầm. Không làm sao thoát được âm thanh đó. Đôi khi tiếng mưa nghe như tiếng thở. Đôi khi là tiếng lá nảy mầm. Tiếng chạy dài của những ngọn gió trong vườn cây. Có khi là tiếng của bầy két chao chát lúc chiều về. Nhưng con két về từ rẫy bắp. Vẫn tiếng mưa. Tiếng rì rầm sinh nở. Tiếng của da thịt con người mở ra trong khát vọng yêu thương. Tiếng bàn tay thiếu phụ trên khuôn mặt những nếp nhăn điên rồ tuổi tác. Tiếng ngã phịch xuống giường đầy bất trắc và thất vọng. Và tiếng mưa bao trùm lên tất cả. Mưa hòa điệu nối kết tất cả mọi âm thanh...” (Những cơn mưa của ngày dài mê dại).

Hoặc diệu kỳ hơn: “Cơn mộng sáng nay có tên là mưa. Đó là một cơn mộng dài và tràn ngập. Tôi đã nghe những tiếng gõ rụt rè đến lúc đang đêm. Sáng ra thấy mưa đang ướt đẫm ngoài vườn. Bịn rịn trên khung cửa kính. Chảy ròng ròng khắp các thân gỗ xù xì. Ướt lướt thướt lá cây. Và những bông hoa không biết giấu mình vào đâu trước sự kiếm tìm chiếm đoạt của những giọt nước lạnh tê bền bỉ không khoan nhượng (Có thể đi hết chiều dài của cơn mộng này chăng?). Dù vậy, trong trái tim mong manh và đầy mộng tưởng ấy, có những lúc nhà thơ bừng tỉnh nhận ra: “Trong giấc mơ chúng ta chưa bao giờ gặp nhau/ chúng ta mù lòa dù cố công tìm kiếm/ sau quá chừng hiện hữu/ màu áo đen/ mùi khói thuốc/ sau cái nhìn thẳng thừng cay độc/ chúng ta thấy được những gì/ ta chờ tiếng thì thầm/ chờ hơi thở gấp/ chờ một động chạm để tỏ bày cảm xúc/ sao tất cả luôn quá chừng xa xỉ/ cô độc níu bàn tay ta lưng chừng/ không cho phép/ chẳng điều diệu kỳ nào có thể xảy ra...” (Chưa bao giờ ta đến được giấc mơ của nhau).

Theo các nhà chuyên môn, thơ văn xuôi là bước phát triển cao nhất của thơ tự do. Nó giống thơ tự do ở cùng một điểm chung là không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, niêm luật... Nó khác với thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không nhịp điệu, nên dễ khô khốc... và cái quan trọng nhất, không dễ có nhiều tác giả có tác phẩm đi vào lòng người. Tuy nhiên, ở thơ văn xuôi của Thúy, với tôi, thơ chị diễn đạt một cách thật mềm mại, tự nhiên, giàu nhạc tính, mặc dù trong không gian ấy thường đem lại những hình ảnh se sắt, nhói lòng... PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhận định: “Hấp lực thơ Đinh Thị Như Thúy không nằm ở những cách tân táo bạo, những cách nói gây sốc mà là sự trường sức và phóng khoáng của một trường liên tưởng mạnh với nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm và đầy nữ tính...”. Trong khi đó,  chia sẻ về công việc của mình, Đinh thị Như Thúy nói rằng: “Thơ chưa lấy đi của tôi điều gì. Nếu cuộc sống có gì đó bất trắc buồn bã tôi nghĩ do số phận nhiều hơn. Nhưng số phận cũng bù đắp khi cho tôi đến với thơ. Thơ cho tôi sự an ủi. Cho tôi những người bạn. Cho tôi nhận biết ý nghĩa sự tồn tại của mỗi cá nhân và của riêng bản thân tôi trong đời sống này”.

T.T.S