Gặp lại "Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng"

Thứ sáu, 25/03/2016 08:58

(Cadn.com.vn) - Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng" là tên gọi tập ghi chép của nhà báo Đặng Trung Hội, do Nxb Văn học ấn hành vào đầu xuân 2016. Sách có khổ 13,4 x 20,3 cm, dày 165 trang gồm 24 bài báo là 24 câu chuyện về cuộc sống đời thường, công việc của ông Nguyễn Bá Thanh từ lúc ông là một Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX nông nghiệp Hòa Nhơn 3) đến Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng và chức vụ cuối cùng trước khi qua đời là Trưởng ban Nội chính Trung ương. Phần phụ lục sách tập hợp 9 bài thơ, ca khúc của người dân Đà Nẵng viết về ông Nguyễn Bá Thanh. Đặc biệt có bài "Thơ gửi ba" của con gái Nguyễn Hoài An, viết cho cha mình khi ông vừa mất.

Ông Nguyễn Bá Thanh tặng hoa các doanh nhân tại Đại hội Doanh nghiệp trẻ TP Đà Nẵng
nhiệm kỳ 2009-2012.

Trước năm 1997, Đà Nẵng là một TP nhỏ bé trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Thành phố lúc ấy chỉ có 3 quận, hiếm nhà cao tầng và ven sông Hàn, đa phần  là những dãy nhà chồ xiêu vẹo. Tháng 1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Kể từ cái mốc lịch sử ấy, TP biến đổi đến diệu kỳ. Nhắc về sự đổi thay đó, đến nay và có lẽ nhiều năm về sau nữa,  người dân Đà Nẵng luôn nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh. Giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ năm 1996 và năm 2003 giữ chức Bí thư Thành ủy, ông Thanh đã từng bước xây dựng Đà Nẵng bằng những chiến dịch bài bản, quy mô. Tính từ năm 1997 đến 2013, Đà Nẵng đã triển khai 3.000 dự án; hàng loạt quận, huyện mới được thành lập, mang diện mạo khang trang hiện đại. Song song đó, những chiếc cầu hiện đại được xây dựng nối hai bờ sông Hàn như: cầu Rồng, Sông Hàn, Thuận Phước, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương... Mỗi cây cầu là một công trình kiến trúc độc đáo, có những nét riêng không trùng lắp. Những đổi thay này đã nâng Đà Nẵng lên một tầm cao mới.

Trong mắt người dân Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh không chỉ là một lãnh đạo năng động mà còn là một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông từng tổ chức buổi gặp mặt, nói chuyện thân tình với gần 200 thiếu nhi chậm tiến; từng trực tiếp đối thoại với những ông chồng hay "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ để qua đó khuyên răn mọi người sống đúng đắn, sống có trách nhiệm hơn là ra lệnh, áp đặt. Ông còn trực tiếp gặp những người chạy xe ôm, bán hàng rong hay mới mãn hạn tù để nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Nghe nói người mới ra tù thiếu vốn làm ăn, ông liền cho thành lập Quỹ Hoàn lương và giúp nhiều người đổi đời sau những lầm lạc.

Dù biết bao công việc bận rộn, nhưng ông Thanh luôn dốc sức, dốc lòng chăm lo cho dân từng việc nhỏ nhất với từng con người cụ thể. Ông đã thực hiện nhiều chuyến "vi hành" bất ngờ để từ đó chỉ ra cho ngành Thuế việc tùy tiện tăng thuế với những người buôn thúng, bán bưng; chỉ ra cho ngành Y tế những việc bất cập trong bệnh viện; chỉ ra cho ngành Văn hóa, thể thao và du lịch cách làm, cách nâng cao hình ảnh, vị thế của Đà Nẵng... Trong nhiều cuộc nói chuyện với cán bộ, công chức thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh thường nhắc, đại ý là: Đừng bao giờ tự hỏi mình làm đến chức gì, mà hãy nói mình đã làm được gì? Nhân dân rất công bằng, dân trọng cán bộ là trọng hiệu quả công việc, chứ không phải là chức tước, mà họ nhớ đến thái độ, cử chỉ, tác phong, nhớ đến những việc, dù nhỏ nhất nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Ông bảo, cái chức nhiều khi nó "biến" anh thành một con người khác, nếu anh không cảnh giác với chính mình. Cái sự thay đổi khi anh được lên chức thường không theo chiều hướng tốt lên, mà lại xấu đi...

Theo tác giả Đỗ Trung Hội: "Để có được một TP đáng sống hôm nay, ông Nguyễn Bá Thanh được coi là "kiến trúc sư trưởng", là người lĩnh xướng dàn nhạc mang tên Đà Nẵng vang xa, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế". Ở chương "Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng", Đặng Trung Hội kể: "Tôi còn nhớ trong một buổi tối cách đây đã khá lâu, đi dự chương trình biểu diễn ra mắt Đoàn ca múa nhạc thành phố. Đến chương trình hát đồng ca, tôi thấy ông Bá Thanh đứng dậy ra hành lang hút thuốc. Tôi cũng nhón gót theo sau, đứng phì phèo cùng nhau điếu thuốc. Chợt ông hỏi tôi: "ông có thích hát đồng ca không?" Không để tôi trả lời, ông nói ngay: "Hát đồng ca mình không biết giọng ai hay, ai dở. Tôi thích trong dàn đồng ca có giọng lĩnh xướng". Và tôi nghĩ, nếu ví Đà Nẵng như một dàn đồng ca, thì ông Nguyễn Bá Thanh chính là giọng lĩnh xướng trong dàn đồng ca ấy. Đó là lý do tôi đặt tên cuốn sách là "Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng".

Tác giả Đặng Trung Hội cũng nói thêm: "Tôi không có tham vọng, nói đúng hơn là không đủ sức, không có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ về con người ông để khắc họa đầy đủ chân dung ông. Những gì tôi viết chỉ là một phần sự thật về đời sống phong phú trong các cương vị công tác của ông, mà tôi là người được chứng kiến như đã nói ở trên.  Tôi viết cuốn sách này không phải danh xưng của một nhà báo, lại càng không phải viết để ca ngợi một chiều theo kiểu sùng bái cá nhân... Tôi viết với danh nghĩa một công dân thành phố đang được hưởng lợi từ những công trình, từ cuộc sống an lành, văn minh tại TP Đà Nẵng. Cuốn sách này xin được làm một nén tâm hương tưởng nhớ và tri ân người con ưu tú của thành phố Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh, nhân ngày giỗ đầu của ông".

Trần Trung Sáng