Gặp lại nhà văn Hiramatsu Tomoko - tác giả tập sách về bà Nguyễn Thị Bình

Thứ tư, 07/08/2013 11:15

(Cadn.com.vn) - Sáng 3-8, nhà văn Hiramatsu Tomoko, Chủ tịch, cùng các thành viên Hội đồng hòa bình và hữu nghị Nhật-Việt tỉnh Saitama (JVPF) đã có buổi giao lưu với các nhà văn Quảng Nam, Đà Nẵng tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) về nền văn chương 2 nước. Đặc biệt, nhà văn Hiramatsu Tomoko đã dành nhiều thời gian trò chuyện về tác phẩm viết về nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Nguyễn Thị Bình-người đàn bà làm lay chuyển thế giới, xuất bản tại Nhật cuối năm 2010).

Nữ nhà văn, nhà báo Hiramatsu Tomoko, sinh năm 1941, là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, ký sự báo chí về đề tài đương đại. Khi bà Hiramatsu Tomoko bước vào tuổi thanh niên, cũng là lúc ở Nhật Bản đang có rất nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam và bà là một trong những người từng tham gia từ tỉnh Saitama tới tận tỉnh Okinawa. Năm 1969, khi nhìn thấy trên tivi hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình-một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rất đĩnh đạc đại diện cho phái đoàn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, bà đã có một cảm xúc rất mãnh liệt về con người Việt Nam, và luôn có cảm nghĩ rằng: Việt Nam sẽ nhất định chiến thắng Mỹ. Từ lúc ấy cho đến những năm về sau này, bà Hiramatsu Tomoko luôn đeo đuổi nguyện vọng gặp gỡ trực tiếp và thực hiện  viết một cuốn sách về bà Bình.

Nhà văn Hiramatsu Tomoko và tập sách "Nguyễn Thị Bình - người đàn bà làm lay chuyển thế giới".

Theo nhà văn Hiramatsu Tomoko, đến nay, sau 3 năm ra mắt bạn đọc, tập sách Nguyễn Thị Bình-người đàn bà làm lay chuyển thế giới đã được giới thiệu trên các báo lớn nhất của Nhật Bản, và bán được một số lượng khá thành công, hiện đang tái bản, nhờ vậy mà bà đã có một số tiền để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện tập sách ấy, bà Tomoko đã phải trải qua những bước không dễ dàng. Bà nói: "Ngay trong buổi đầu tiên gặp gỡ và trình bày ý tưởng viết về tập sách này, tôi nhận ra trên nét mặt cô Bình (GC: bà Tomoko luôn yêu cầu người dịch gọi là "cô Bình" trong câu chuyện của mình) có vẻ không tin tưởng khả năng của tôi trong công việc này. Hôm đó, tôi xin phép được phỏng vấn 1 giờ, nhưng cô Bình nói rằng, tập hồi ký của chính mình cô còn viết chưa xong, thì làm sao tôi có thể viết được về cô. Vì vậy, tôi hẹn xin gặp lại cô vào năm sau, nhưng cô từ chối. Thế nhưng, tôi vẫn không từ bỏ hy vọng...".

Nhà văn Hiramatsu Tomoko và tác giả bài viết.

Thế rồi, bất ngờ vào tháng 5-2009, bà Tomoko nhận được điện thoại từ Văn phòng bà Nguyễn Thị Bình đồng ý nhận lời làm việc với bà tại Việt Nam trong 3 ngày. "Đó là khoảng thời gian hạnh phúc tuyệt vời với tôi. May mắn thay, sau cuộc phỏng vấn này, cô Bình lại cho tôi tiếp tục có thêm một cuộc phỏng vấn khác sau đó không lâu. Cô Bình hỏi,  vậy đã được chưa? Tôi nói chưa được. Cô lại cho thêm 1 ngày nữa...", bà Tomoko kể. Sau khi hoàn thành tác phẩm, bà Tomoko quyết định chọn tên tập sách là "Nguyễn Thị Bình- người đàn bà làm lay chuyển thế giới". Bìa sách màu hồng để làm nền cho bức ảnh bà Nguyễn Thị Bình cũng hoàn toàn chủ ý, bởi nhà văn Nhật biết được đây là màu của hoa sen, loài hoa được dân tộc Việt Nam tôn quý. Xuyên suốt hơn 300 trang sách, có 19 trang in 49 tấm ảnh về những sự kiện liên quan đến bà Nguyễn Thị Bình, về nỗi đau của người Việt Nam trong chiến tranh... Đặc biệt,  tác giả dành 28 trang để sơ lược tiểu sử và quá trình hoạt động của bà Nguyễn Thị Bình bằng hình thức viết tay chữ Việt Nam, dịch ra tiếng Nhật.

Dịp này, thông qua vai trò cầu nối là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam, JVPF đã xây dựng 4 căn nhà trị giá 8.000 USD tại huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình và Duy Xuyên cho các nạn nhân da cam/dioxin đồng thời tặng 5.000 USD cho nạn nhân da cam/dioxin Quảng Nam. Trong đó, nhà văn Hiramatsu Tomoko tặng 4.000 USD (tiền thu được từ việc bán cuốn sách do bà viết) và các thành viên trong Đoàn đóng góp 1.000 USD.

Trong đó, có đoạn nhắc lại lời tự sự của bà Nguyễn Thị Bình: "Trong trò chuyện, nhiều người đã hỏi về đời tư của bà. Bà luôn khiêm tốn trả lời: Không có gì đặc biệt. Chồng tôi trước kia ở quân đội, còn tôi làm ngoại giao. Chúng tôi ở 2 mặt trận khác nhau, ít được gặp nhau. Đó là sự hy sinh bình thường của bao gia đình Việt Nam trong thời chiến. Tôi có 2 con: một trai, một gái. Chúng đều lớn, có gia đình riêng, nên tôi đã có một cháu nội, một cháu ngoại. Điều mà tôi làm chưa tốt là khi các con tôi còn nhỏ, tôi thường đi công tác xa, vắng nhà, nên đành phải gửi chúng nó cho các em tôi hoặc nhờ bạn bè trông nom. Có thắng lợi nào không có hy sinh, có thành công nào không trả giá. Nếu phải làm lại, chắc tôi cũng sẽ làm như đã làm".

Về dự kiến trong thời gian đến, nhà văn Hiramatsu Tomoko cho biết: "Việt Nam là đất nước tôi yêu quý nên các đề tài về đất nước, con người Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút tôi. Tôi sẽ tiếp tục viết về những học sinh nghèo, những nạn nhân da cam/dioxin ở các tỉnh miền núi của Việt Nam. Tại khu tôi ở, có rất nhiều sinh viên Việt Nam tới nhà tôi chơi, kể về cuộc sống của những nạn nhân da cam/dioxin ở những vùng hẻo lánh của Việt Nam. Tôi sẽ tới một số tỉnh miền núi và những nơi khó khăn của Việt Nam để viết về cuộc sống ở những nơi đó".

Trần Trung Sáng