“Gặp lại” nhà văn Tô Hoài trong 3 cuốn sách

Thứ sáu, 15/07/2016 10:40

(Cadn.com.vn) - Tưởng nhớ 2 năm ngày mất của cố nhà văn Tô Hoài (2014-2016), 3 cuốn sách “Cỏ dại”, “Những gương mặt” và “Sổ tay viết văn” sẽ được tái bản.

“Cỏ dại” là hồi ký đầu tay của Tô Hoài, được viết khi nhà văn mới ngoài 20 tuổi (1944). Thời thơ ấu thấm đẫm nỗi buồn của nhà văn Tô Hoài được tái hiện rõ nét qua nhân vật chính Cu Bưởi. Cuộc sống của Cu Bưởi gắn liền với gia đình nhà ngoại trong ngôi nhà gạch cũ ở vùng Nghĩa Đô. Sống cùng những người lớn luôn đầu tắt mặt tối với những lo toan mưu sinh hằng ngày, cậu bé không có ai quan tâm, bầu bạn nên chỉ biết tha thẩn trong nhà, ngoài vườn, chơi với ếch nhái, cây cỏ... Những kỷ niệm lúc nhạt mờ lúc sâu đậm về thầy u, những bỡ ngỡ giữa phố thị đông người và cả những tủi hờn trong những ngày ra phố sống nhờ, ở đậu với niềm mong mỏi ngày mẹ đón về... tất cả những ký ức này cứ man mác buồn theo từng trang viết. Tác giả đã vẽ nên một bức tranh sống động của những ngày xưa cũ từ nhiều cảnh đời, nhiều tính cách, số phận con người khác nhau. “Cỏ dại” giúp ta hiểu một cách sinh động những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như những nét đặc sắc trong phong cách Tô Hoài. Nằm trong hệ thống hồi ký văn học của Tô Hoài, “Những gương mặt” được coi là tác phẩm mở đầu cho thành công về đề tài chân dung văn học của ông. Với “Những gương mặt” Tô Hoài đã dành những nét vẽ chân thật và sinh động nhất để phác họa chân dung một thế hệ cầm bút, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng... đến Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính... Các nhà văn trong trang viết của Tô Hoài không khoa trương mà luôn chân thật như bước thẳng từ cuộc đời đi vào trang sách. Giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên đã khiến “Những gương mặt” văn nhân với độc giả tưởng xa vời cùng ánh hào quang lấp lánh bỗng trở nên bình dị, gần gũi hơn. Qua tác phẩm, chúng ta thấy được một Tô Hoài giỏi quan sát, giỏi góp nhặt những cái hay, cái dở từ cuộc đời, nhân tình thế thái và đưa chúng vào sáng tác.

Tác phẩm thứ 3 mang tựa đề “Sổ tay viết văn” là một đứa con tinh thần do chính Tô Hoài chắt chiu, gom góp từ những kinh nghiệm viết lách của mình, “Sổ tay viết văn” được xem như cuốn sách gối đầu giường dành cho những ai yêu thích chữ nghĩa và muốn dấn thân vào con đường văn chương. Lúc sinh thời, Tô Hoài quan niệm: “Kinh nghiệm viết văn, cả về tư tưởng và cách viết, là kinh nghiệm lao động, do hàng ngày lao động sáng tác mà nảy nở. Nó vô cùng tận. Không thể nói lúc nào hoàn hảo, mỗi bước phấn đấu lại được kinh nghiệm mới. Cứ thế thay đổi và đổi mới mãi, đem lại tiến bộ cho người viết”. “Sổ tay viết văn” không chỉ là cuốn Bách khoa toàn thư dành cho những người theo đuổi con đường văn chương chữ nghĩa mà nó còn giống như một gợi ý giúp độc giả có thể nhìn nhận, đánh giá khách quan khi thưởng thức bất kỳ tác phẩm nào.

Hà Anh